Trăm miền về đây về đây hội tụ/Ngàn năm về đây về đây hội ngộ/Khí phách cha ông hồn thiêng sông núi/Khát vọng bao đời gửi gắm đó Thăng Long…
Bản "lược sử" Thăng Long - Hà Nội đã được nhạc sĩ Lê Mây chuyển thành giai điệu, thành lời ca như thế. Không hề nhắc đến một di tích, một con phố, hay bất kỳ địa danh nào, nhưng những ca từ ấy đã toát lên toàn bộ cái "chất" của văn hóa, lịch sử Thăng Long. Ðó là nơi trăm miền, là nơi tinh hoa hội tụ; là nơi cha ông tự ngàn xưa gửi gắm khát vọng Thăng Long - rồng bay, khát vọng đi lên của đất nước, của dân tộc. Bản "lược sử" ấy tiếp tục bằng những "bão dông, đạn bom" qua năm tháng. Và chính trong thử thách ấy Vẫn uy nghiêm rêu phong, rêu phong Hà Nội/ Vẫn thơm hương từng trang, từng trang, Hà Nội để chất linh thiêng, hào hoa mãi tỏa sáng. So với những ca khúc về Hà Nội, "Hà Nội linh thiêng, hào hoa" của nhạc sĩ Lê Mây ra đời muộn. Ông công bố tác phẩm năm 2000. Nhưng điều đặc biệt, ngay lần đầu được ca sĩ Minh Ánh thể hiện, công chúng Thủ đô cũng như cả nước có cảm giác tác phẩm như đã có "tự bao giờ". Bởi dường như tất cả những gì gần gũi, thân thuộc, những linh thiêng, hào hoa, anh dũng đáng tự hào của Hà Nội đều có trong tác phẩm.
Ðể viết nên một ca khúc như thế, hẳn phải là một tâm hồn hiểu và yêu Hà Nội sâu sắc. Nhưng khi nghe nhạc sĩ Lê Mây kể chuyện, không ai ngờ, ông lại lao tâm khổ tứ với tác phẩm này đến thế. Từ lâu, ông đã quay quắt với ý tưởng phải viết một tác phẩm "xứng tầm" với Hà Nội mà ông yêu quý. Nhưng suốt từ năm 1997 đến năm 2000, quanh đi quẩn lại, ông chỉ viết được mỗi bốn câu đầu. Nhiều lần viết ra, rồi vò giấy vứt đi, vì thế đứa con tinh thần cứ dở dang. Năm 2000, Hà Nội chuẩn bị các sự kiện tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây dự một trại sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức về chủ đề Thăng Long - Hà Nội. Từ một nơi xa Thủ đô, ông hồi tưởng những hình ảnh, những kỷ niệm về Hà Nội. Nhưng gần hết thời gian ở trại sáng tác, vẫn chưa viết thêm được câu nào. Phải đến đêm cuối cùng trước khi rời trại, trong giấc ngủ, ông mơ về Hà Nội, mơ về kinh thành Thăng Long xưa trong sương khói lung linh. Giữa đêm, ông bật dậy, như được sắp sẵn trong đầu những ca từ, giai điệu, ông viết một mạch hoàn thành tác phẩm.
Nhạc sĩ Lê Mây quê ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Như bao người khác, khi trưởng thành, ông về với Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) năm 1964, ông xung phong lên Tây Bắc công tác. Năm 1970, ông mới trở về Hà Nội, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Hưng Yên là mảnh đất nhạc sĩ sinh ra, nhưng Hà Nội là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. Chính cảnh vật, con người ở đây bồi đắp cho ông những nguồn cảm xúc; đem đến cho ông cảm hứng sáng tác. Nhạc sĩ Lê Mây từng có bài hát "Quê hương ơi, Hà Nội ơi". Với ông, đó là lời cảm ơn cho quê hương Phù Cừ nơi ông sinh ra, và lời cảm ơn với Hà Nội. Nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát về Hà Nội như: "Ðêm thu Hà Nội", "Cà-phê chiều Yên Phụ", "Trăng về phố"… Từng giai điệu, từng câu từ trong tác phẩm là những góc cạnh khác nhau của một tình yêu lớn với Hà Nội.
Ở tuổi 77, "tài sản" của nhạc sĩ Lê Mây là hơn 300 ca khúc, thuộc nhiều đề tài từ thiếu nhi, quê hương, đất nước, đến tình yêu, tuổi trẻ… Sinh ra ở Hưng Yên, vốn "thấm" những giai điệu âm nhạc dân gian, rồi trưởng thành, gắn bó với Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống văn hiến, tác phẩm của nhạc sĩ Lê Mây có chất hiện đại, nhưng đều ít nhiều mang âm hưởng của âm nhạc dân gian. Ðó cũng là phong cách sáng tác đặc trưng của ông. Ðiều này thể hiện trọn vẹn nhất qua tác phẩm "Hà Nội linh thiêng, hào hoa". Nhịp điệu đoạn đầu nhạc phẩm có sự thâm trầm sâu lắng từ ảnh hưởng của ca trù trước khi được dồn nén, đẩy thành cao trào. Sau khi nghỉ công tác, nhạc sĩ Lê Mây lui về "ẩn dật" trong một căn nhà đầy cây xanh ở thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Ðức). Nhạc sĩ sống cuộc đời bình dị. Bên cạnh việc sáng tác, ông còn vui vẻ với công việc làm vườn. Trong năm 2019, chính cuộc sống nơi đây đã trở thành niềm cảm hứng để ông cho ra đời tác phẩm "Phía tây thành phố", mà ở đó, vẫn ngập tràn những tâm tư, những tình yêu ông dành cho Thủ đô.