Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân tại các đô thị lớn.

Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 7,9 triệu phương tiện, trong đó 6,6 triệu xe máy; một triệu xe ô-tô, 187 nghìn xe máy điện và khoảng 1,2 triệu phương tiện vãng lai. Trong đó, phần lớn là phương tiện giao thông cá nhân. Sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân gây nhiều hệ lụy, từ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan đô thị, đến việc gây nhiều vụ cháy, nổ.

Như vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thì việc phát triển các loại hình giao thông công cộng là tiền đề để các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội, từng bước tiến tới việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng để giải bài toán ùn tắc giao thông trong nội đô, cải thiện môi trường, đồng thời hạn chế nguy cơ cháy, nổ từ các xe máy điện, xe máy xăng.

Tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế xe cá nhân hoạt động trong nội đô thì cần thiết phải hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội mới có tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) được đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả. Tuyến đường sắt số 3 (Nhổn-Ga Hà Nội) chuẩn bị đưa vào vận hành đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã vào cuối năm 2023.

Mới đây, Hội đồng thẩm định nhà nước đã phê duyệt Kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc dài 38,43 km (trong đó 6,5 km đi ngầm; 2 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.

Tuyến đường sắt đô thị này hình thành sẽ kết nối, trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, thúc đẩy sự phát triển đô thị ngoài trung tâm, kéo giãn dân số nội đô, nhằm giảm mật độ đông đúc trong nội thành.

Người dân Thủ đô mong chờ tuyến đường sắt đô thị số 5 với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của thành phố Hà Nội, mặt bằng sạch đã có sẵn (dải phân cách giữa đường Văn Cao-Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng-Đại lộ Thăng Long) sẽ nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, được khởi công sớm, để kết nối với các tuyến đường sắt hiện có và chuẩn bị đưa vào vận hành, hình thành nên mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ ở Hà Nội. Từ đó, tiến tới hạn chế và dừng sử dụng xe máy trong nội đô, giải quyết triệt để những hệ lụy do sự bùng nổ của phương tiện giao thông cá nhân mà chúng ta đang phải đối mặt.