Đẩy mạnh hợp tác kết nối giao thương

Thời gian qua, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng để thành phố và các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thương, đầu tư có hiệu quả trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức “Tuần lễ triển lãm và hội nghị kết nối cung-cầu tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024”. Sự kiện nhằm mục tiêu giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa hai địa phương.

Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với các nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuần lễ triển lãm và hội nghị kết nối cung-cầu tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 còn diễn ra các hoạt động kết nối giao thương B2B; ký kết hợp tác thương mại, đầu tư và các hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa các đối tác…

Tuần lễ triển lãm và hội nghị kết nối cung-cầu, không chỉ tạo cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk.

Hoạt động xúc tiến thương mại giữa tỉnh Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thể hiện qua sự mở rộng thị trường tiêu thụ và ký kết nhiều hợp đồng quan trọng. Đặc biệt, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp Đắk Lắk đã có cơ hội quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác mới, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, với tiềm năng, thế mạnh hiện tại, hai địa phương sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối giao thương hàng nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông sản nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, đa dạng về chủng loại, đủ lớn về quy mô và nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời bảo đảm phục vụ tốt cho hoạt động của các nhà máy hướng đến phát triển nhanh và bền vững.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh tích cực chủ động hợp tác, liên kết vùng, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng Tây Nguyên. Qua đó, giúp mở rộng không gian phát triển của thành phố, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên. Trong những năm qua, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tháng 4 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024. Theo đó, các địa phương vùng Tây Nguyên thống nhất tăng cường hợp tác kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên trong năm lĩnh vực trọng tâm: du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, y tế giáo dục. Sự hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới phát huy tiềm năng, thế mạnh thu hút những dự án đầu tư từ các nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Trần Phú Lữ cho biết: Các chương trình hợp tác giữa thành phố và tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhất là lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Vì thế, trong những năm tiếp theo thành phố và tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư. Qua đó, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho hai địa phương.

Đối với việc hợp tác giữa thành phố và các địa phương vùng Tây Nguyên, chỉ tính sáu tháng đầu năm 2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tám sự kiện xúc tiến để đẩy mạnh liên kết vùng với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp thành phố và các doanh nghiệp của các tỉnh vùng Tây Nguyên nhận được sự quan tâm tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, góp phần cụ thể hóa và mang lại hiệu quả thiết thực cho chương trình hợp tác.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện năm hoạt động cấp vùng Tây Nguyên, bốn hoạt động hợp tác song phương, tổ chức hai đoàn doanh nghiệp thành phố khảo sát đầu tư các địa phương trong vùng Tây Nguyên.