Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu

Đầu tư hạ tầng đô thị hiện đại

Nhằm khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới, các thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, tăng diện tích cây xanh, đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường,…

0:00 / 0:00
0:00
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: nhandan.vn).
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: nhandan.vn).

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi tầm nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả ba khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường và phát triển hài hòa, phù hợp điều kiện tự nhiên.

Xây dựng đô thị xanh

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, trong đó sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có, xây dựng sáu công viên mới.

Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã trồng mới 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại, vượt xa mục tiêu của chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. Việc trồng mới nhiều cây xanh tạo thành các dải xanh, không gian xanh, hành lang xanh giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí tại Thủ đô.

Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã trồng mới 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại, vượt xa mục tiêu của chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. Việc trồng mới nhiều cây xanh tạo thành các dải xanh, không gian xanh, hành lang xanh giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí tại Thủ đô.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2030, tăng 450ha diện tích công viên, cây xanh so với năm 2020; chỉ tiêu đất công viên, cây xanh/người dân của thành phố đạt 1m²/người. Trên địa bàn thành phố hiện nay chỉ có hơn 508 ha đất công viên, bình quân 0,55m2/người, thấp hơn nhiều so mục tiêu đất cây xanh khoảng 6,3m2/người.

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động phong trào mỗi người dân trồng một cây xanh và huy động nguồn lực, kinh phí, các tổ chức, đoàn thể, các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Ngoài ra, khi di dời nhà xưởng gây ô nhiễm trong các khu dân cư, thành phố sẽ điều chỉnh một phần chức năng các khu đất này thành đất xây dựng công viên cây xanh phục vụ cộng đồng; kiểm tra, rà soát, thu hồi diện tích công viên sử dụng sai mục đích, giám sát các chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị thực hiện nghiêm các cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh để không gian sống của cộng đồng dân cư được hài hòa, thân thiện hơn với môi trường.

Cùng với đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển các loại hình giao thông xanh như đường sắt đô thị, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, đến cuối tháng 10/2022, sau 360 ngày khai thác, đã có gần 7,3 triệu lượt khách sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Hiện mỗi ngày, tuyến đường sắt đô thị này vận chuyển khoảng 32 nghìn lượt hành khách, trong đó 70% số hành khách sử dụng vé tháng. Cùng với tuyến Cát Linh-Hà Đông, Hà Nội cũng đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa vào khai thác đoạn trên cao (từ Nhổn đến Kim Mã) của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vào cuối năm 2022. Hà Nội cũng đang mở rộng mạng lưới các tuyến xe buýt điện.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, đến nay thành phố có 234 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, trong đó có 95 xe buýt điện; 139 xe buýt CNG, chiếm 11,8% so với tổng số xe buýt trợ giá.

Để Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố xanh, đáng sống và thông minh, cần phải đẩy mạnh tốc độ triển khai các dự án đầu tư, hoàn thành mạng lưới đường sắt theo quy hoạch gồm tám tuyến metro.

TS Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Đức

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang dồn sức thi công tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành-Suối Tiên, từ Quận 1 đi thành phố Thủ Đức dài 19,7km, phấn đấu khai thác trong năm 2023. Cùng với đó, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương dự kiến sẽ được khởi công sau năm 2024.

TS Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Đức nhận định: Để Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố xanh, đáng sống và thông minh, cần phải đẩy mạnh tốc độ triển khai các dự án đầu tư, hoàn thành mạng lưới đường sắt theo quy hoạch gồm tám tuyến metro. Mới đây, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư thêm sáu tuyến metro từ nay đến 2035, tổng nhu cầu vốn hơn 200.000 tỷ đồng.

Khắc phục triệt để úng ngập

Trước diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết do biến đổi khí hậu, các thành phố đều tìm giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng ngập úng đi kèm xử lý nước thải.

Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2021-2025, dành gần 53.318 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án thủy lợi. Trong đó, một số dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư như: hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ; hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả Nhuệ; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông...

Công ty Thoát nước Hà Nội đã xây dựng ứng dụng HSDC Maps trên điện thoại thông minh giúp người dân Thủ đô nhận biết các tuyến đường bị ngập; lắp hệ thống camera giám sát tại các điểm ngập nặng để kịp thời xử lý sự cố. Ngoài ra, Hà Nội cũng dành hơn 12.250 tỷ đồng triển khai 7 dự án thủy lợi góp phần tiêu thoát nước đô thị.

Hiện tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khu vực đô thị trên địa bàn mới đạt 28,8% (tổng công suất 267.300m3/ngày đêm). Dự kiến, đến năm 2024 khi dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất xử lý nước thải đô thị lên 537.000m3/ngày đêm, đạt 50%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai bảy dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình hình úng ngập, cải thiện môi trường, trong đó có dự án giải quyết ngập do triều cường, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải (lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Nước Lên); dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực tây Sài Gòn; dự án cải tạo các trục tiêu thoát nước chính,...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai bảy dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình hình úng ngập, cải thiện môi trường, trong đó có dự án giải quyết ngập do triều cường, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải (lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Nước Lên); dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực tây Sài Gòn; dự án cải tạo các trục tiêu thoát nước chính,...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu dài, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nên khuyến khích phát triển đô thị tại khu vực có địa hình cao như Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22…; siết chặt và kiểm soát đối với khu vực đô thị hóa có địa hình thấp. Việc phát triển tại các khu vực này cần được thiết kế, quy hoạch hợp lý để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay.

Chính quyền thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã chỉ đạo các phường, xã rà soát các vị trí, công trình lấn chiếm hành lang chỉ giới suối trên địa bàn; vận động, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tháo dỡ công trình vi phạm; huy động lực lượng chức năng và nhân dân khơi thông hệ thống mương, cống thoát nước, thu gom rác, yêu cầu người dân cam kết bỏ rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, tỉnh sẽ đầu tư xử lý các hồ chứa nước bị bồi lấp; chỉnh trang đô thị, chú trọng tổ chức không gian xanh trong quy hoạch thành phố Đà Lạt; quản lý nhà kính, nhà lưới bài bản, khoa học theo lộ trình. Dự kiến đến năm 2030, không cho tồn tại các nhà kính sản xuất nông nghiệp tại nội đô, chuyển sang các vùng ven Đà Lạt để bảo đảm cảnh quan môi trường và giảm thiểu ngập úng cục bộ.

Đối với việc thoát nước của thành phố Đà Nẵng, TS Trần Văn Giải Phóng, người có nhiều năm làm việc cho các tổ chức ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu ở Việt Nam phân tích: Đà Nẵng có sông Hàn chảy trong lòng thành phố là kênh thoát nước rất hữu hiệu.

Đà Nẵng cũng nằm sát biển, cho nên việc đầu tư thoát nước đang ở mức đáp ứng khi lượng mưa không quá 40mm/giờ và kéo dài không quá 6 giờ. Nếu đầu tư để đáp ứng lượng mưa cực lớn như ngày 14/10 vừa qua thì khó khả thi vì kinh phí quá lớn, và trận mưa lớn như vậy có khi phải vài chục năm mới gặp một lần. Vì vậy, trước mắt thành phố vẫn nên thường xuyên nạo vét cống thoát nước, cải tạo, đồng bộ cốt đáy cống thoát nước mưa giữa các khu vực dân cư cũ và mới; cải tạo, mở rộng một số tuyến cống chính xuyên qua các đường phố lớn ra sông Hàn hoặc ra biển.

---------------------------------------