Chống úng ngập tại Hà Nội

Đưa công nghệ vào quản lý, quy hoạch đô thị

Hà Nội đang đối mặt với tình trạng cứ mưa lớn là "phố vẫn thành sông", úng ngập cục bộ tại nhiều tuyến phố. Trước thực tế này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu phải làm rõ những nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan để xảy ra tình trạng úng ngập như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cây lớn đổ đè vào chiếc taxi trên phố Hàng Chiếu (Hà Nội) sau mưa. Ảnh: Đan Hạ
Cây lớn đổ đè vào chiếc taxi trên phố Hàng Chiếu (Hà Nội) sau mưa. Ảnh: Đan Hạ

Quán triệt không lấp hồ, ao hiện có để xây dựng

Phân tích về nguyên nhân úng ngập ngày càng trầm trọng tại đô thị, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, hiện nay nhiều trạm bơm, kênh dẫn chưa hoàn thiện và sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét, kè... là một trong những nguyên nhân dẫn đến không bảo đảm công tác thoát nước trên toàn Hà Nội. Từ năm 2015-2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6ha. Nhiều khu vực quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm và nhiều quận, huyện khác đã bị lấp hết ao hồ, hạn chế thẩm thấu, chứa nước tự nhiên nên cứ mưa khoảng 100mm trong hai giờ là nhiều con phố Hà Nội lại "biến thành sông". Ngoài ra, cốt nền đường, các công trình xây dựng tại Hà Nội cũng được đẩy lên cao khiến cho thoát nước khó khăn hơn. Đơn cử, dọc tuyến Đại lộ Thăng Long cốt mặt đường thấp hơn so cốt mặt nước sông Nhuệ, nên khi có mưa lớn, tình trạng ngập úng là khó tránh khỏi. Ngoài ra, do một số nguyên nhân khác, như các trận mưa lớn trong những tháng gần đây không theo quy luật, vượt quá công suất của hệ thống thoát nước.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm "sống lại" sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy, tăng khả năng thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt, đặc biệt là tại khu vực các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức... Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn".

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội yêu cầu khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch và các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố. Yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước trên địa bàn, để tăng khả năng chứa nước, phục vụ việc thoát nước đô thị. Đặc biệt là tại địa bàn các quận, huyện có nhiều khu đô thị mới và các khu vực có mật độ dân cư cao như Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Cần giải quyết tận gốc vấn đề

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới thoát nước được thiết kế với lượng mưa tính toán khoảng 310-400mm/hai ngày đối với trận mưa có chu kỳ lặp lại 10 năm. Tuy nhiên, lượng mưa vừa qua vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước dẫn đến việc úng ngập cục bộ. Để hạn chế tình trạng úng ngập cục bộ, các cấp, ngành căn cứ định hướng quy hoạch thoát nước được duyệt, tập trung đầu tư xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai các cụm công trình đầu mối thoát nước mưa chính theo quy hoạch như Liên Mạc-170m3/s, Yên Nghĩa-120m3/s... và từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dưới góc nhìn chuyên gia, để giảm ngập úng đô thị, TS Chu Văn Hoàng - Bộ môn Kỹ thuật hạ tầng, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: Trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý cốt nền đô thị và thoát nước mặt, với tính chất chồng ghép nhiều bản đồ, nhiều số liệu về điều kiện tự nhiên hiện trạng, liên quan nhiều lĩnh vực, dữ liệu hồ sơ lớn thì việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực quản lý sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Theo TS Hoàng, các đô thị Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quản lý dữ liệu quy hoạch bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được thực hiện từ giai đoạn lập quy hoạch đến giai đoạn thực hiện đầu tư, quản lý vận hành. "Đây là bước đi mang tính đột phá mới trong công tác quản lý và sẽ từng bước thông tin đầy đủ hơn cho các cơ quan liên quan và người dân dễ dàng tiếp cận với số liệu cốt nền và thoát nước đô thị lúc cần thiết. Đồng thời, dự báo những khu vực có nguy cơ ngập lụt có hệ thống để từ đó định vị quá trình phát triển đô thị phù hợp với địa hình và không gian cảnh quan chung", ông Hoàng đề xuất.

Cụ thể hơn, theo chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, Hà Nội nên xây dựng sơ đồ cảnh báo ngập úng, đặt biển cảnh báo các tuyến phố, các khu vực ngập úng đồng thời đưa ra các cảnh báo trực tuyến về tình trạng ngập úng… trên các phần mềm, app ứng dụng cài trên điện thoại thông minh.

Với đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, thiết nghĩ rất cần rà soát lại các quy hoạch, thậm chí phải xem xét lại cả tiêu chuẩn thiết kế trong tình hình hiện nay. Các quy hoạch ngành đã không còn phù hợp; các thiết kế xây dựng, trong đó có thiết kế về hệ thống cống tiêu thoát nước phải được rà soát, xem xét lại, vì có những tiêu chuẩn thiết kế trước kia là phù hợp, nhưng trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan như vừa qua, tiêu chuẩn thiết kế đó không còn phù hợp nữa. Vì thế, phải rà soát tổng thể, đồng bộ để giải quyết triệt để những bất cập trong vấn đề tiêu thoát nước đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.