Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17

NDO -

Sáng 16-10, với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đảng bộ tỉnh Hà Giang khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; K’ Ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ cùng 323 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 70 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Hà Giang khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ 17 -0
 Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 17.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa 16 do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, nêu rõ: Năm năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc đã đoàn kết, thống nhất một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 6,8%/năm, đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng, tăng hơn 57% so với năm 2015. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn trong năm năm đạt hơn 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010 - 2015.

Công tác lập và quản lý quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư và thực hiện có hiệu quả. Tỉnh tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, tất cả các xã có đường nhựa, đường bê-tông đến trung tâm, các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. Mạng lưới cáp quang, trạm phát sóng di động được phủ tới 95% thôn, bản. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai quyết liệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đã có 43 xã đạt chuẩn NTM, trong đó thành phố Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Lĩnh vực du lịch phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng bình quân 16%/năm, đến năm 2020 thu hút 1,5 triệu lượt du khách. Chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng được nâng cao; mạng lưới y tế thường xuyên được quan tâm củng cố, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên.

Tỉnh thực hiện nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, được nhân dân đồng thuận cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cụ thể: Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo nơi biên giới thực hiện trong hai năm 2019-2020 đã giúp hơn 3.300 hộ có nhà ở kiên cố; xã hội hóa xây dựng Quỹ Khuyến học - Khuyến tài với cam kết hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hơn 52 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 22%. Quốc phòng-an ninh được bảo đảm, giữ vững đường biên, mốc giới. Công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy từng bước sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, công tác quản lý, điều hành có nhiều đổi mới.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chúc mừng, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, vượt khó đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Hoan nghênh tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thẳng thắn chi rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Những hạn chế, khuyết điểm là những trở ngại không nhỏ cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Do đó, đề nghị Đại hội thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng đề nghị tỉnh quan tâm đến một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là:

Tập trung lãnh đạo Đảng bộ tiếp tục quán triệt sâu sắc, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng. Nâng cao năng lực dự báo tình hình, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của tỉnh trong điều kiện mới. Chủ động, nhạy bén đấu tranh không khoan nhượng, phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thể lực thù địch. Ngăn chặn, đẩy lùi, không để "tự diễn biến", "tư chuyển hóa” trong nội bộ.

Là tỉnh biên giới, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, do đó, trong bất luận hoàn cảnh nào, Hà Giang phải quyết tâm giữ dân, giữ đất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Coi trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình quân sự trong khu vực phòng thủ, cải tạo hang động, xây dựng các chốt chiến đấu dân quân thường trực trên biên giới. Xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống an ninh truyền thống và phi truyền thống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Phối hợp chặt chẽ với Quân khu 2 và các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; làm sạch môi trường. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn để phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra gây rối, bạo loạn, điểm nóng, nhất là ở vùng dân tộc, tôn giáo.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, thực hiện tốt hơn nữa công tác đối ngoại, nhất là với Trung Quốc, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chia rẽ quan hệ Việt - Trung.

Về phát triển kinh tế, tỉnh cần dồn sức thực hiện quyết liệt, hiệu quả ba khâu đột phá nêu trong báo cáo chính trị để tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt của sự phát triển. Tập trung cao cho phát triển kinh tế, gắn chặt phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội phải thẩm định chặt chẽ về quốc phòng, an ninh và bảo đảm tính lưỡng dụng. Có cơ chế, chính sách thích hợp thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, nhất là về du lịch, thương mại, nông nghiệp.

Đẩy mạnh kinh tế biên mậu, thực hiện tốt các dự án kinh tế - quốc phòng, có biện pháp xử lý di dịch cư tự do, bố trí hợp lý dân cư ra khu vực biên giới, tạo sinh kế cho người dân, coi mỗi người dân ở khu vực biên giới là một cột mốc sống khẳng định và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Hà Giang khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ 17 -0
 Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao tặng tỉnh Hà Giang xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa.

Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết nối hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng điểm là đường kết nối từ cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường đến các khu, điểm du lịch, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới, xây kè sông suối.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững nguyên tắc, đoàn kết, thống nhất; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Kiên quyết, kiên trì thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang. Thực hiện nghiêm các quy định nêu gương, nhất là với cán bộ chủ chốt các cấp. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch nội bộ Đảng, hệ thống chính trị.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Coi trọng phát triển Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, chuyên gia trên các lĩnh vực có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của tỉnh.

Trong phiên khai mạc sáng 16-10, Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành khóa 17, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 51 đồng chí.

Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng