Thiếu vốn, thiếu cơ chế

Cụm công nghiệp làng nghề "nằm trên giấy"

Nghề truyền thống đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân các làng nghề huyện Phú Xuyên, tuy nhiên, việc sản xuất mới dừng lại ở quy mô hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ. Để phát triển làng nghề bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, cần xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung. Thế nhưng, tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề chưa tiến triển nhiều, do khó khăn về kinh phí.

Cơ sở may của anh Nguyễn Văn Đức tại thôn Chung, xã Vân Từ
Cơ sở may của anh Nguyễn Văn Đức tại thôn Chung, xã Vân Từ

Bí thư Đảng ủy xã Vân Từ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, xã có chín thôn, trong đó hai thôn làng nghề may và một thôn làng nghề khảm trai; thu nhập bình quân của người dân đạt 24,5 triệu đồng/người/năm. Các hộ làm nghề may đều chuyên cắt may com-plê nam, nữ. Doanh thu từ nghề may năm 2013 đạt gần 40 tỷ đồng, tăng 5% so năm trước, chiếm tỷ trọng 33,33% giá trị tổng sản phẩm của xã. Những hộ làm nghề may từ chỗ làm gia công cho những chủ lớn ở trung tâm Hà Nội, nay đã dành một phần nguồn lực đáng kể cho việc tự tìm thị trường, hợp đồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp may Hùng Luyến ở thôn Từ Thuận tổ chức sản xuất bằng cách đặt hàng 30 gia đình khác trong thôn, mỗi gia đình thực hiện một công đoạn may. Giám đốc doanh nghiệp Đào Ngọc Hùng cho biết: Trước đây, gia đình ông thường nhận may gia công cho những chủ doanh nghiệp lớn, từ năm 1997, ngoài việc may gia công, cơ sở tự sản xuất, tiêu thụ, mỗi năm từ sáu đến bảy nghìn sản phẩm tại thị trường các tỉnh, thành phố phía bắc. Cơ sở cắt may Nguyễn Mạnh Duy, thôn Từ Thuận, trước đây cũng phải làm gia công cho những doanh nghiệp lớn của Hà Nội. Từ năm 2005 đến nay, cơ sở đã tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Anh Duy cho biết, cũng phải công phu, vất vả lắm mới xây dựng được thị trường tiêu thụ các tỉnh phía bắc, mỗi năm làm khoảng bốn nghìn sản phẩm, sử dụng 20 lao động, thu nhập mỗi người khoảng bốn triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1980, đã là chủ một cơ sở may rộng hơn 200 m 2 tại thôn Chung. Với 20 lao động, mỗi năm cơ sở của anh sản xuất 10 nghìn sản phẩm. Ngoài ra, anh Đức còn đầu tư 500 triệu đồng mua máy thùa khuyết, máy đột ve áo, làm gia công cho các hộ sản xuất trong làng nghề.

Ngay sát cạnh xã Vân Từ, xã Phú Yên từ hàng trăm năm nay được nhiều người biết đến là làng nghề da giày truyền thống. Đến nay, có 50% người dân trong xã làm nghề này. Hằng năm, làng nghề sản xuất bốn triệu đôi giày, dép tại thị trường trong nước, trong đó 80% ở phía bắc, 20% ở phía nam. Đáp ứng nhu cầu sản xuất gia tăng, trong xã đã có 15 hộ chuyên kinh doanh nguyên liệu, vật tư phục vụ ngành da giày. Đoạn đường dài 2.200 m vào làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, hai bên san sát cửa hàng, cơ sở sản xuất như một dãy phố của một đô thị nào đó. Anh Trương Văn Thạo, chủ một doanh nghiệp da giày cho biết, cơ sở của anh đã đăng ký thương hiệu, chủ yếu thực hiện việc giao dịch đặt hàng qua in-tơ-nét và điện thoại, hằng năm, sản xuất từ 40 đến 50 nghìn sản phẩm, sử dụng 50 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động 4,5 triệu đồng/tháng. Đến nay, trong xã có 39 cơ sở sản xuất da giày đã đăng ký thương hiệu, hơn 80 cơ sở khác đang làm thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền. Theo Chủ tịch Hội Da giày xã Phú Yên Nguyễn Lương Đức, làng nghề của xã đã truyền nghề sang năm xã chung quanh, trong đó xã Châu Can có số lao động làm nghề da giày tương đương xã Phú Yên. Nhờ có nghề, kinh tế của phần lớn các hộ dân đều khấm khá.

Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất tại các làng nghề bộc lộ một số bất cập. Việc sản xuất theo mô hình gia đình hiện nay như chiếc áo đã trở nên "căng chật" không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu các cơ sở. Các hộ sản xuất, hội nghề và chính quyền của xã Vân Từ, xã Phú Yên đều mong muốn sớm được đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề sản xuất tập trung. Đi tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá, tiếp thị nhiều nơi, cả ở ngoài nước, xúc tiến thương mại, đồng chí Nguyễn Lương Đức nhận thấy, muốn làm ăn lớn, hiệu quả, lâu dài, có nhiều sản phẩm xuất khẩu thì phải có khu sản xuất công nghiệp tập trung, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, cung ứng nguyên liệu, vật tư, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kho bãi, đào tạo, chuyển giao công nghệ... Trong quy hoạch, xã Phú Yên đã dành 16 ha đất để xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, sản xuất tập trung. Xã Vân Từ cũng bố trí 3 ha đất để làm cụm công nghiệp may. Nhưng vì chưa có vốn đầu tư, cũng như chưa có cơ chế huy động các nguồn lực phù hợp, cho nên tiến độ triển khai xây dựng cụm công nghiệp của xã mới ở trên giấy.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp, thành phố và huyện có thể thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực tại một vài địa bàn. Qua đó rút kinh nghiệm áp dụng cho các xã khác. Trong đó có vốn ngân sách nhà nước các cấp, nguồn vốn các thành phần kinh tế, kiều bào, tín dụng, cổ phần, đất đai... Điều quan trọng là có cơ chế tổ chức thực hiện với thủ tục hành chính nhanh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.