Nhiều lĩnh vực chưa thu hút các nhà đầu tư; nhân lực cho công nghiệp văn hóa còn yếu, bảo hộ bản quyền còn yếu… Điều đó đòi hỏi thành phố cần xây dựng cơ chế mới, song song thúc đẩy đầu tư để công nghiệp văn hóa sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GDP của thành phố, đến năm 2030 đóng góp 8%; xây dựng nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa có thương hiệu trong nước và quốc tế mà Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra, Hà Nội còn nhiều việc phải đẩy mạnh triển khai.
Chưa tương xứng tiềm năng
Hà Nội có hệ thống di sản dày đặc, gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, trong đó, có nhiều làng nghề chuyên về thủ công mỹ nghệ. Từ lợi thế này, Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy nêu rõ trong giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố tập trung vào phát triển những lĩnh vực thế mạnh gồm: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí.
Song thực tế, nhiều lĩnh vực thế mạnh của thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Điển hình như lĩnh vực du lịch văn hóa và thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, khách du lịch chủ yếu đến tham quan một số di tích, làng nghề trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Hương, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm… Còn những di tích, làng nghề khác đón lượng khách không đáng kể.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Hà Nội thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc để phát triển và lan tỏa được thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô; cơ sở, hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng du lịch tại nhiều điểm di tích chưa được đầu tư, thiếu đồng bộ. Một trong những nguyên nhân là thiếu các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho du lịch; thiếu cơ chế hợp tác công-tư, cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, nâng cao chất lượng khu, điểm du lịch văn hóa, di sản”.
Đối với lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, Hà Nội vừa có các làng nghề phong phú, vừa có các phố nghề tại khu phố cổ. Các làng nghề hiện có hơn 176 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút hơn 739 nghìn người lao động.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm thiếu sự độc đáo, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hóa, mẫu mã chưa bắt mắt, dẫn đến sức cạnh tranh chưa cao, chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Một số nghề còn bị mai một và khó phát triển. Nhiều làng nghề lớn như gốm Bát Tràng; mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)… cũng phải gia công và bán sản phẩm dưới thương hiệu của nước ngoài. Thành phố còn thiếu những chính sách về tài chính, đào tạo nhân lực để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển nghề thủ công.
Trong phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà đầu tư, người lao động… thuộc khối tư nhân có vai trò hết sức quan trọng, nhất là những lĩnh vực như: Thời trang, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh; nghệ thuật biểu diễn… hay sự phát triển của các không gian sáng tạo.
Nhưng hiện nay, thành phố vẫn thiếu những chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khối tư nhân tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Người sáng lập không gian sáng tạo Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) Nguyễn Bùi Vũ cho biết: “Hiện nay, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động. Tuy nhiên, đầu tư vào công nghiệp văn hóa-sáng tạo có nhiều rủi ro, cho nên nhiều người e ngại. Do đó, điều chúng tôi cần hơn là những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư được thể chế hóa thành quy định để hoạt động thuận lợi hơn”.
Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực
Để đạt được mục tiêu công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GDP của thành phố đến năm 2025, 8% đến năm 2030 mà Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra, thành phố cần nhiều nỗ lực. Nhiều chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay mà Hà Nội cần khẩn trương triển khai.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Hà Nội cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt cần có chính sách ưu đãi thuế về vốn, giá, thuế, khuyến khích sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa. Những chính sách phải cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các đơn vị; đồng thời, đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển”.
Việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi không chỉ thu hút vốn mà còn thu hút chất xám của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nghiệp… trong phát triển văn hóa.
Văn hóa là nguồn lực cho sự phát triển, do đó cũng cần nhận diện rõ “lượng” và “chất” của nguồn lực này. TS Đỗ Thị Liên Vân (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội) cho rằng, Hà Nội có ba nguồn lực văn hóa chính: Nguồn lực con người; nguồn lực di sản và sản phẩm văn hóa tiêu biểu; nguồn lực hạ tầng văn hóa.
Song song với việc khai thác thì cần chăm lo các nguồn lực để có thể phát huy văn hóa một cách bền vững. Với nguồn lực con người thì cần có chiến lược dài hạn gồm nâng cao chất lượng cán bộ quản lý văn hóa và chất lượng của nhân lực tham gia trực tiếp vào công nghiệp văn hóa. Theo TS Lê Thị Cúc (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), ngay từ khâu đào tạo đã phải có những đổi mới. Trong đó, hệ thống các trường đại học, cao đẳng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa.
Các trường cần khuyến khích học sinh, sinh viên khám phá, trải nghiệm các loại hình nghệ thuật, tiếp xúc với những người thực hành các loại hình, những diễn giả, tuyên truyền viên, hướng dẫn viên...
Một nhân tố không thể không kể đến là thế giới đã bước vào thời đại 4.0. Do đó, để phát triển công nghiệp hóa thì cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. TS Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất: “Hà Nội cần đẩy nhanh ứng dụng khoa học-công nghệ trong phát triển văn hóa; tận dụng những cơ hội về lực lượng lao động trẻ, tài năng, có nhiều ý tưởng sáng tạo mới; tận dụng ưu thế của internet, mạng xã hội trong việc quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa Thủ đô đến cộng đồng, đến du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời, Hà Nội cũng cần làm mới và thử nghiệm những mô hình phát triển văn hóa thông qua những ứng dụng của công nghệ (như 3D Tour, 360 VR Tour, Thực tế ảo VR...) để phát triển loại hình du lịch thực tế ảo, du lịch thông minh; số hóa một số loại hình văn hóa, nghệ thuật; sử dụng hiệu quả công nghệ trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu truyền thống; phát triển loại hình văn học, nghệ thuật mạng, gia tăng khả năng tương tác với công chúng, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước”.
Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019. Phát triển công nghiệp văn hóa có quan hệ chặt chẽ với xây dựng Thành phố sáng tạo. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng Thành phố sáng tạo, chú trọng hỗ trợ các không gian sáng tạo, chuyển đổi các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo để tái thiết đô thị bền vững.
Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, đồng thời, là cầu nối giao lưu văn hóa quốc tế, trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Từ “vốn” văn hóa ấy, phát triển công nghiệp văn hóa để xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại là một đòi hỏi tất yếu. Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra phương hướng, giải pháp phát triển, tạo xung lực trong cả hệ thống chính trị. Rút kinh nghiệm từ những thành công, những hạn chế sau hơn một năm triển khai Nghị quyết là tiền đề để thành phố “cán đích” các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
(★) (Xem trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 11, 14 và 18/7/2023).