Ðây là bước đi chiến lược của thành phố để nguồn lực văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Bài 1: Các cấp ủy, chính quyền chủ động tìm “đầu việc”
Ở nước ta, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới mẻ. Ðể từng bước đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TU đến cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức về lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, các địa phương đã tìm tòi, lựa chọn lĩnh vực thế mạnh của mình để đầu tư, tạo điều kiện khai thác, phát triển.
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình, thành phố ưu tiên phát triển: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí; đồng thời, đầu tư thỏa đáng phát triển các lĩnh vực: Quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn bó với xây dựng Thành phố sáng tạo.
Thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành một Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TU đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực.
Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển.
Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, các địa phương đã khẩn trương tổ chức quán triệt, học tập và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, gắn với việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy.
Quận Hoàn Kiếm là “vùng lõi” của văn hóa Thăng Long, nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Do công nghiệp văn hóa có nhiều điểm mới nên công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 09-NQ/TU là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà chúng tôi triển khai.
Hoàn Kiếm tổ chức các buổi tập huấn, quán triệt, hội thảo; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi chủ thể, nhất là cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, doanh nhân... và nhân dân nhận rõ vai trò, ý nghĩa của công nghiệp văn hóa. Phương pháp tuyên truyền cũng tránh sự áp đặt mà khuyến khích những cách nhìn mới, tư duy mới về công nghiệp văn hóa, để động viên những người làm văn hóa sáng tạo”.
“Tây Hồ là địa bàn có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn mới mẻ mà cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, chưa có giải pháp để khơi dòng cho nguồn lực văn hóa được phát huy. Bởi vậy, quận xác định ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, vấn đề thiết yếu nhất là nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phải quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là về những lĩnh vực thế mạnh của Tây Hồ để từ đó triển khai các biện pháp cụ thể phát triển công nghiệp văn hóa”.
Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ
Xác định tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa, huyện Gia Lâm đã nghiêm túc, chủ động, sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Huyện đã tập trung nghiên cứu, đồng thời khảo sát, đánh giá tình hình, thực trạng của địa phương để xây dựng, ban hành Kế hoạch số 86-KH/HU của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09 được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện sáu lần; tổ chức lấy ý kiến đóng góp và được hoàn thiện, triển khai, quán triệt đến 100% chi bộ, đảng bộ trực thuộc, tới cán bộ đảng viên và hệ thống chính trị. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ hằng năm, rõ nội dung, khối lượng và tiến độ thực hiện.
Thị xã Sơn Tây là trung tâm của văn hóa xứ Ðoài, với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 23/2/2022, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết. Tiếp đó, Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 31/3/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội. Các cuộc tập huấn, quán triệt góp phần giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thay đổi nhận thức về công nghiệp văn hóa.
Chủ động lựa chọn hướng đi cụ thể
Hà Nội có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa. Song, nguồn lực văn hóa, điều kiện kinh tế-xã hội mỗi địa phương lại khác nhau. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị đã nghiên cứu, đề xuất lấy ý kiến đóng góp từ các bên để lựa chọn tập trung vào những thế mạnh của địa phương trong từng giai đoạn.
“Trên cơ sở phân tích đặc điểm kinh tế-xã hội của quận, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Hoàn Kiếm đã lựa chọn những lĩnh vực chính để đầu tư phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ và ẩm thực; quận quan tâm đến những lĩnh vực nhiều tiềm năng như: Quảng cáo, thời trang, thiết kế, mỹ thuật. Thực hiện định hướng trở thành “quận nghệ thuật”, quận đầu tư vào tu bổ di tích; cải tạo nâng cấp những không gian văn hóa; phát triển phố ẩm thực...; xa hơn nữa là phát triển một số không gian đi bộ tại phố Tràng Tiền-Nhà hát Lớn, xây dựng bãi sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng. Quận cũng xây dựng các giải pháp thu hút đầu tư”.
Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh của mình, thị xã Sơn Tây lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn là du lịch văn hóa và ẩm thực; từng bước phát triển các ngành: Biểu diễn nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, thủ công mỹ nghệ... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Ðại Thăng cho biết, từ việc xác định rõ định hướng phát triển, thị xã triển khai các nhiệm vụ cụ thể bằng đầu tư bảo tồn, quảng bá các di tích như: Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Ðường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây..., phát huy các lễ hội lớn; xây dựng thương hiệu và đổi mới các sản phẩm ẩm thực làng quê của Sơn Tây; từ đó, tạo ra các sản phẩm hấp dẫn.
Xác định phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm cụ của cả hệ thống chính trị, của toàn thành phố, cho nên tất cả các quận, huyện, thị xã và nhiều sở, ngành xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai Nghị quyết 09, với những tiêu chí, đầu việc cụ thể.
Bí thư Huyện ủy Ðan Phượng Trần Ðức Hải cho biết: “Ðan Phượng không có thế mạnh về cảnh quan, hay làng nghề, cũng chưa phải là điểm đến của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Mỹ thuật, thiết kế, điện ảnh... Song chúng tôi nhận thức đây là nhiệm vụ mà không một đơn vị nào được phép đứng ngoài. Huyện đã bàn bạc, lấy ý kiến các bên kỹ càng và sẽ tập trung phát triển du lịch văn hóa. Muốn phát triển du lịch văn hóa phải xây dựng điểm đến hấp dẫn, cùng với môi trường thân thiện. Vì thế, chúng tôi gắn phát triển du lịch văn hóa với xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn mới, tạo thiện cảm cho mọi người khi đến với mảnh đất Ðan Phượng”.
Việc thay đổi nhận thức, từ đó lựa chọn đúng lĩnh vực để đầu tư, phát triển tạo tiền đề công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến mạnh mẽ.
(Còn nữa)