Công nghiệp văn hóa - động lực xây dựng Thủ đô văn hiến và hiện đại (Tiếp theo kỳ trước) (*)

Bài 3: Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng

Nghị quyết 09-NQ/TU nêu rõ vai trò quan trọng của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, kiến trúc sư... và những lao động khác trong sáng tạo các sản phẩm văn hóa, hình thành thị trường văn hóa. Trong đó, cấp ủy, chính quyền đóng vai trò là người kiến tạo môi trường cho công nghiệp văn hóa phát triển. Nhận thức mới của Nghị quyết 09-NQ/TU đã khuyến khích giới nghệ nhân, nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà đầu tư... thuộc khối tư nhân có những sáng tạo hấp dẫn, tự tin đầu tư để tạo ra giá trị kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đoài Creative, một không gian văn hóa của tư nhân đem lại những giá trị văn hóa và kinh tế trong cộng đồng.
Đoài Creative, một không gian văn hóa của tư nhân đem lại những giá trị văn hóa và kinh tế trong cộng đồng.

Cũng như nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khác, hoạt động của những chủ thể ngoài nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với công nghiệp văn hóa, vai trò của khối tư nhân càng quan trọng hơn, bởi có một số lượng lớn doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ... là những người hoạt động tự do.

Khơi nguồn cho sáng tạo

Đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), nhiều người ngạc nhiên khi qua cổng làng Mông Phụ một quãng ngắn, có một dãy nhà được trát vách bằng bùn trộn rơm rạ. Đó là Đoài Creative - nơi tổ chức các lớp học về mỹ thuật cho trẻ em trong làng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành nghệ thuật cho khách du lịch mới đưa vào hoạt động. Vẻ đẹp cổ kính của Đường Lâm luôn khơi gợi cảm xúc cho mọi người. Đoài Creative tạo môi trường cho người ta thể hiện những sáng tạo ấy, dù là người nghiệp dư, hay những sinh viên học mỹ thuật, khách du lịch quốc tế...

Người ta có thể lựa chọn thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau. Song kiến trúc sư Khuất Văn Thắng, chủ nhân của Đoài Creative khuyến khích mọi người vẽ, nặn đất trên những viên ngói, viên gạch, những cánh cửa cũ. Khi hoàn thành, khách có thể mang tác phẩm đầy "chất quê" của mình về như một vật lưu niệm. Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo, nhưng đây là không gian sáng tạo đầu tiên ở một ngôi làng cổ.

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Đoài Creative trở thành điểm đến với những em nhỏ yêu nghệ thuật với triển lãm "Sáng tạo không giới hạn".

Phó Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, Đoài Creative mới là khởi đầu. Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố và thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đang hỗ trợ một số doanh nghiệp, gia đình khác triển khai những không gian sáng tạo gắn với mục tiêu quảng bá giá trị làng cổ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều không gian sáng tạo gặp khó khăn, nhưng không ngăn được một nhóm bạn trẻ thế hệ 9x cho ra đời Re:born creative - một không gian sáng tạo (tại ngõ 189, đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội).

Trong sự kiện "chào sân" cuối năm 2022, Re:born creative đánh thức ký ức của nhiều người qua workshop "Cà phê bít tất". Đó là câu chuyện về một thời trước đây, khi người ta thường cho cà-phê vào một chiếc túi vải, rồi đun lên, trông chiếc túi vải như một chiếc... bít tất.

Dịp Tết Nguyên đán, những bạn trẻ này lại tổ chức một cuộc nói chuyện thú vị mang chủ đề "Tám con mèo" - buổi nói chuyện về chuyện mèo trong văn hóa dân gian. Từ đó đến nay, Re:born creative đã đem đến công chúng hàng chục buổi triển lãm, workshop, tọa đàm, chiếu phim, biểu diễn âm nhạc...

Nhóm bạn trẻ đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để kết nối các nghệ sĩ, các khách mời. Hoàng Linh Sa, một trong những người sáng lập chia sẻ: "Thời gian xảy ra dịch Covid-19 là một khoảng lặng trong đời sống. Do đó chúng tôi muốn đem đến sự "tái sinh" về đời sống văn hóa, giúp mọi người có không gian. Đó là lý do chúng tôi chọn cái tên Re:born creative".

Không gian sáng tạo không phải một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Song đó là nơi cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa gặp gỡ, tương tác, phát triển kinh doanh, tương tác với cộng đồng thông qua các hoạt động giao lưu, buôn bán; góp phần hình thành thị trường công nghiệp văn hóa. Những không gian sáng tạo thu hút nhiều chủ thể thuộc các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, từ nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc... cho đến ẩm thực, thủ công mỹ nghệ hay thời trang. Hoạt động của những không gian này góp phần hình thành thị trường văn hóa.

Dù gặp không ít khó khăn sau hai năm dịch bệnh, đến nay các không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động sôi động trở lại. Bên cạnh những không gian mới, các không gian như Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), đã trở lại mạnh mẽ với hàng loạt sự kiện văn hóa, hội chợ, giao lưu hấp dẫn...

Trước đây, nghệ thuật biểu diễn chủ yếu do các đoàn nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội thực hiện như: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội... biểu diễn tại các khu phố đi bộ, thì hiện nay, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày một phong phú. Chỉ riêng ca trù, ngoài không gian biểu diễn trong khu phố cổ, khán giả còn có thể thưởng thức những màn trình diễn định kỳ của các ca nương, kép đàn Câu lạc bộ Ca trù Bích Câu đạo quán (số 14 phố Cát Linh, quận Đống Đa) hay Nhóm Ca trù nghệ nhân Phó Thị Kim Đức (đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm).

Một cộng đồng sẵn sàng "bùng nổ"

Cái tên Tired City với đại bản doanh nằm ở phố Hàng Hành (quận Hoàn Kiếm) mới chỉ được biết đến cách đây vài năm nay. Nhưng hiện giờ, chỉ riêng ở khu vực phố cổ Hà Nội, Tired City đã có gần mười cửa hàng thời trang. Nhưng câu chuyện của Tired City không nằm ở những chiếc áo phông, hay những chiếc túi xách.

Nguyễn Việt Nam, người sáng lập Tired City nhận thấy rằng các tác phẩm nghệ thuật phần lớn được tìm thấy trong các triển lãm, một không gian được coi là "xa cách" với đa số người dân. Làm thế nào để những tác phẩm có bản quyền của nghệ sĩ đến được công chúng? Tired City lan tỏa những tác phẩm thông qua thời trang. Tired City "ghi điểm" bởi khai thác chính yếu tố văn hóa, đời sống đô thị, nhất là Hà Nội để tạo dựng một thương hiệu thời trang có bản sắc riêng.

Năm 2019, Tired City thành lập Vietnam Local Artists Group (VLAG) - một sân chơi tập hợp được 10 nghìn nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong mảng minh họa và thiết kế, không phân biệt trình độ, lứa tuổi hay phong cách. Tired City còn tổ chức hàng chục sự kiện như: Các cuộc thi vẽ, triển lãm, workshop... để tạo sân chơi cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, giúp họ tương tác với cộng đồng.

Những ngày đầu tháng 7, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin hồ Gươm, Tired City vừa phối hợp Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm "Vùng nào, thức nấy" với các tác phẩm về ẩm thực vùng miền. Chỉ một thời gian ngắn nữa, những tác phẩm nghệ thuật này sẽ đi vào... thời trang.

Từ mười nghệ sĩ hợp tác thương mại ban đầu, đến nay Tired City đã cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ và cho ra mắt tác phẩm của họ ở nhiều dự án khác nhau. Câu chuyện của Tired City, một thương hiệu thời trang non trẻ, với sự tham gia của các họa sĩ, nhà thiết kế chủ yếu cũng ở độ tuổi còn rất trẻ cho thấy tiềm năng của cộng đồng những người hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa lớn đến mức nào.

Nhiều lĩnh vực của công nghiệp văn hóa hiện nay đan xen lẫn nhau mà câu chuyện của Tired City là một điển hình. Có những lĩnh vực chưa phải thế mạnh của Hà Nội, nhưng đang hoạt động hết sức sôi nổi. Một trong số đó là mỹ thuật. Thành phố hiện có hàng trăm gallery. Những gallery này giúp các họa sĩ hòa nhập với nền kinh tế thị trường và đời sống nghệ thuật đương đại.

Một số gallery tư nhân tiêu biểu hoạt động nổi bật hiện nay như: 54 Traditions Gallery (số 44 phố Hàng Bún, quận Ba Đình), Green Palm Gallery (số 39 phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), Đào Anh Khánh Tree House (phố Ngọc Thụy, quận Long Biên), Hanoia House (số 38 phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm), Câu lạc bộ nghệ thuật V-artroom (khu đô thị Ciputra)... Tại đây, diễn ra nhiều cuộc triển lãm, trò chuyện về nghệ thuật và cả những hợp đồng thương mại.

Đây chính là nhân tố giữ vai trò nâng đỡ những sáng tác mới, kết nối giữa nghệ sĩ. Hoạt động của những gallery này cho thấy sự sôi động của thị trường nghệ thuật, tiềm năng xã hội hóa mang lại cho lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm... Một vài nét phác thảo ấy cho chúng ta thấy tiềm lực to lớn của cộng đồng những nghệ sĩ, nhà sáng tạo thuộc khối tư nhân. Và những chủ trương, chính sách mới được ban hành cùng Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển văn hóa sẽ góp phần giúp cộng đồng ấy "bùng nổ" cùng những sáng tạo.

(Còn nữa)

---------------------------

(*) Xem trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 11, 14/7/2023.