Bài 2: Xung lực mới cho quá trình phát triển
Nghị quyết 09-NQ/TU có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo xung lực mới cho quá trình phát triển thông qua những hoạt động cụ thể.
Nở rộ những sản phẩm mới
Tối thứ sáu, khi thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc các hàng quán tại khu vực đảo Ngọc-Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chuẩn bị cho một buổi tối bận rộn. Được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2022, phố đi bộ ẩm thực đảo Ngọc-Ngũ Xã (gồm bảy tuyến phố: Ngũ Xã, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Mạc Đĩnh Chi, Nam Tràng, Lạc Chính, Trấn Vũ) nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút người dân Hà Nội và khách du lịch. Với hàng chục nhà hàng, quán ăn kinh doanh ẩm thực, khách hàng có nhiều lựa chọn từ các món: Phở, mì, bún cho tới lẩu, nướng hay các đồ ăn vặt …
Anh Nguyễn Tiến Hùng (khách du lịch từ Đà Nẵng) cho biết: "Sau khi đi dạo hồ Tây, tôi đến khu phố ẩm thực đảo Ngọc-Ngũ Xã. Không khí ở khu phố ẩm thực rất sôi động, giá hàng hóa, dịch vụ bình dân và được niêm yết rõ ràng, khiến mọi người đều thấy thoải mái".
Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, quận Ba Đình đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau, trong đó Phố đi bộ kết hợp ẩm thực đêm đảo Ngọc-Ngũ Xã là một trong những sản phẩm trọng điểm của quận. Để phố đi bộ có thể đi vào hoạt động một cách bền vững, quận Ba Đình đã chuẩn bị kỹ càng nhiều khâu, từ cải tạo hạ tầng, kiểm soát an toàn thực phẩm cho đến vận động người dân thực hiện ứng xử văn minh thương mại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch Nguyễn Huy Dân cho biết: "Trung bình mỗi dịp cuối tuần, tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực đảo Ngọc-Ngũ Xã trên địa bàn phường Trúc Bạch thu hút khoảng 3.000 khách. Để tăng sức hấp dẫn, chúng tôi tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động trải nghiệm để phục vụ khách đến tham quan, ăn uống".
Sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành, các địa phương nhanh chóng lựa chọn những định hướng phát triển, xây dựng lộ trình triển khai. Trước đây, thị xã Sơn Tây vốn bình lặng về đêm. Nhưng kể từ khi tổ chức phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây, cứ vào tối thứ bảy hàng tuần, thị xã trở thành điểm đến của người dân quanh vùng, cũng như các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc...
Tại đây, Ban tổ chức bố trí nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật do chính các đoàn thể, người dân các phường trên địa bàn phụ trách. Nhờ thế, khách du lịch có điều kiện thưởng thức nghệ thuật, còn người dân địa phương vừa được tham gia, vừa được hưởng thụ. Phó Trưởng ban tổ chức Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết: "Hoạt động của phố đi bộ đã thúc đẩy du lịch của thị xã tăng trưởng, nhiều khu nghỉ dưỡng trên địa bàn luôn kín khách dịp cuối tuần.
Trước đây khách du lịch đến Sơn Tây thường đi về trong ngày thì giờ đây có thể lưu trú để tiếp tục lộ trình trải nghiệm, khám phá trong ngày thứ hai. Ngoài việc tổ chức biểu diễn thường xuyên, chúng tôi còn có những hoạt động tạo điểm nhấn. Từ thành công của đêm Trung thu Thành cổ năm 2022, hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho Trung thu Thành cổ 2023, với quy mô lễ rước đèn lớn hơn, tạo sự kiện du lịch lớn".
Trong khi đó, các không gian văn hóa tại quận Hoàn Kiếm như: Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa phố Phùng Hưng… được cải tiến, nâng cấp để thu hút khách. Các đơn vị quản lý di tích lớn trên địa bàn cũng đã có nhiều hoạt động. Hoàng thành Thăng Long sau thành công với tour du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long đã mở thêm tour chuyên đề phục vụ khách du lịch nước ngoài.
Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho ra đời sản phẩm trải nghiệm mới Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân. Trung tâm Hoạt động Văn hóa-khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khánh thành công trình cải tạo hồ Văn; trong đó, gò Kim Châu trên hồ Văn trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa. Kết hợp với nhiều hoạt động văn hóa khác, khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã chuyển mình thành một không gian văn hóa-sáng tạo.
Làng quê cũng "bắt nhịp" với công nghiệp văn hóa
Nhiều năm nay, làng Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), quê hương của Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt, vốn nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa, trồng hoa, cây cảnh. Nhưng bây giờ, Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng tại làng Phù Đổng trở thành một điểm đến du lịch văn hóa. Đến đây, ngoài tham quan di tích, khách du lịch còn có thể thưởng thức những trích đoạn về hội Gióng, thưởng thức đặc sản ẩm thực hay tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng Nguyễn Sơn cho biết: "Trước đây, chúng tôi từng nghĩ đến việc phát triển du lịch, nhưng không biết làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Với việc huyện Gia Lâm tập trung phát triển du lịch văn hóa, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, cho nên mạnh dạn thành lập Hợp tác xã để tổ chức làm du lịch cộng đồng. Với tinh thần làm du lịch để phát huy giá trị di tích, di sản quê hương, Hợp tác xã đã tìm cách "thu nhỏ" màn trình diễn ở hội Gióng để có thể đem nét đẹp lễ hội đến khách du lịch.
Chúng tôi đang tích cực "chào hàng" sản phẩm với các hãng lữ hành để tạo nên nét riêng của du lịch Phù Đổng". Vừa qua, địa phương có thêm Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park được thành phố công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao, tour du lịch di sản tại Phù Đổng càng thêm hấp dẫn khi tạo ra sự kết nối. Đến đây, khách du lịch vừa được tham quan, trải nghiệm tại quần thể di tích đền Phù Đổng, vừa có thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại Phù Đổng Green Park.
Trước đây, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng chỉ phát triển ở những cộng đồng dân cư nơi có những địa danh nổi tiếng như: chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), làng gốm Bát Tràng, Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông)… thì nay, ngày càng nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.
Làng Đào Thục xưa kia mỗi năm chỉ có một, hai lần biểu diễn rối nước vào lễ hội, hay những dịp có "việc làng"; bây giờ, biểu diễn rối đã trở thành công việc thường ngày. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngày nào phường rối cũng có buổi diễn để phục vụ yêu cầu của khách du lịch. Trưởng bộ phận kinh doanh của Phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị chia sẻ: "Khi thành phố ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, chúng tôi nhận thức được rằng việc mình làm tuy còn nhỏ bé, nhưng đang đóng góp cho sự nghiệp chung.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương với hoạt động biểu diễn rối nước làng Đào Thục ngày càng sâu sắc hơn khiến chúng tôi yên tâm. Sắp tới Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh sẽ đầu tư tu bổ đình, chùa Đào Thục, sẽ giúp chúng tôi xây dựng thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, đó là kết hợp xem biểu diễn rối nước, tham quan di tích, thưởng thức ẩm thực và tham gia trải nghiệm làm quân rối tại địa phương". Trước đây, người Đào Thục gắn bó với những quân rối bằng đam mê, còn bây giờ người dân có thu nhập từ biểu diễn rối nước và các loại hình dịch vụ du lịch khác.
Nghị quyết 09-NQ/TU đã tạo ra xung lực mới cho quá trình phát triển, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền. Những hoạt động văn hóa lâu nay thường được xem là các hoạt động "tiêu tiền" thì nay trở thành nguồn lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng, của thành phố Hà Nội nói chung.
(Còn nữa)
(★)(Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11/7/2023).