Có quy định, vẫn lo

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố. Theo quy chế này, sẽ có bảy trường hợp phải đánh lại số và gắn biển số nhà mới theo quy định. Ðó là, các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát với số lượng trên 30% số nhà toàn tuyến. Các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, nhà cũ đã giải phóng mặt bằng, các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên. Các tuyến đường phố đã đánh số nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần đường đó không được đặt t&

Các ngõ, ngách, hẻm của tuyến đường, phố có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên. Các tuyến giao thông được thành phố quyết định đánh lại số và gắn mới biển số nhà. Ðường phố cũ được phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc được nhập thành đường, phố mới. Các nhà chung cư sử dụng số căn hộ sai nguyên tắc quy định tại quy chế này.

Không phải đến bây giờ, Hà Nội mới xuất hiện tình trạng số nhà lộn xộn. Trước đây, ngành văn hóa thông tin cũng đã có những quy định về việc đánh số nhà, nhưng việc đánh số dường như vẫn theo kiểu "tự nhiên", "tùy hứng". Trên thực tế, tại nhiều tuyến số, có khi chỉ vài số nhà "lộn xộn", nhưng đủ gây nên cảm giác khó chịu, thiếu văn minh và khó quản lý. Trên đường Phạm Hùng (huyện Từ Liêm), số nhà 99 ngay cạnh số nhà 26. Trên phố Trần Thánh Tông (quận Cầu Giấy), đang ở dãy nhà số chẵn, lại thấy có số nhà 25. Tại tuyến phố Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), đang ở số nhà 28, lại đến số nhà 10, rồi số 12, kế tiếp là 34. Trên phố Thái Thịnh, số nhà 43 ở cạnh số nhà có địa chỉ 102 C1, hoặc số nhà 63 ở cạnh số nhà 106.

Có quy chế rõ ràng, nghĩa là có cơ sở, có căn cứ để "chỉnh sửa", để không còn tình trạng lộn xộn. Tuy nhiên, để tạo thành nền nếp, để việc "chỉnh sửa" được suôn sẻ, vẫn cần những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ và kiên quyết.