Cơ hội cho nông sản vươn xa

Sau khoảng bốn năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thạch Thất (Hà Nội) hiện có 142 sản phẩm OCOP, trong đó, có 114 sản phẩm đạt 4 sao; 28 sản phẩm đạt 3 sao, mở ra cơ hội sản xuất và kinh doanh cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Làng nghề mộc, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất , thành phố Hà Nội. (Ảnh: NGỌC ANH)
Làng nghề mộc, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất , thành phố Hà Nội. (Ảnh: NGỌC ANH)

Là một trong những chủ thể tham gia sản phẩm OCOP của huyện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Ngải (thôn 4, xã Hương Ngải) Nguyễn Đỗ Ban cho biết, năm 2019, HTX đăng ký với huyện tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá gồm: rau muống, cải bắp, cải xanh, cải ngọt, rau ngót và củ khoai tây. Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Sau khi sản phẩm của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX được huyện tạo điều kiện tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản được nhiều người biết đến, sản lượng tiêu thụ và giá bán được cải thiện rõ rệt. Nông dân rất phấn khởi, có thêm động lực để mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, để phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay, huyện Thạch Thất đã hình thành hai chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng rau.

Cụ thể là mô hình trồng rau an toàn tại xã Hương Ngải quy mô 10 ha; mô hình trồng rau hữu cơ, rau bản địa tại xã Yên Bình với diện tích 12 ha. Xây dựng được ba mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa, cung cấp giống hoa chất lượng cao tại xã Đại Đồng, quy mô 12 ha; mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Yên Bình, quy mô 20 ha; mô hình trồng nho trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tại xã Phú Kim, quy mô 16.000 m2.

Để giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ thuận lợi, huyện đã xây dựng được một điểm giới thiệu, quảng bá và bán hàng sản phẩm OCOP tại xã Yên Bình. Đồng thời, huyện hỗ trợ kinh phí thuê đơn vị tư vấn rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thi cho các chủ thể OCOP với tổng kinh phí 600 triệu đồng.

Xác định chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, cùng với việc phát triển các loại nông sản chủ lực, huyện Thạch Thất còn chú trọng phát triển các làng nghề. Thạch Thất có 59 làng có nghề với khoảng 14 nghìn hộ sản xuất, thu hút hơn 37 nghìn lao động nông thôn.

Trong đó, có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống như: làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, làng nghề mộc-xây dựng xã Canh Nậu, làng nghề bánh chè lam thôn Thạch Xá, xã Thạch Xá... Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Thạch Thất là một trong những huyện có số sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhất thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ đánh giá phân hạng 150 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 2023, hướng dẫn đánh giá phân hạng lại đối với các sản phẩm đã hết thời hạn; tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, huyện có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với khả năng sáng tạo sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt để nâng cao giá trị sản phẩm kết hợp phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại các làng nghề.

Hằng năm, huyện sẽ bố trí ngân sách hợp lý đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tranh thủ tối đa nguồn lực nhà nước, của các tổ chức, cá nhân và động viên khuyến khích kêu gọi các các đơn vị, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, các công ty chuyên ngành, các nhà khoa học liên kết theo hướng “4 nhà” để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và giúp nông dân nâng cao thu nhập ổn định đời sống; xây dựng nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.