Nỗi niềm thưởng Tết

Cuối năm, hầu như mọi công nhân, người lao động đều ngóng chờ tin thưởng Tết từ doanh nghiệp. Đây là khoản tiền rất quan trọng vì liên quan chuyện mua sắm quà Tết cho gia đình, là khoản dành để tích trữ tiết kiệm sau một năm làm việc vất vả.
0:00 / 0:00
0:00
Sau một năm lao động vất vả, tiền thưởng Tết là động lực cho người lao động tiếp tục gắn bó doanh nghiệp.
Sau một năm lao động vất vả, tiền thưởng Tết là động lực cho người lao động tiếp tục gắn bó doanh nghiệp.

Chuyện thưởng Tết nhiều hay ít còn liên quan trực tiếp đến quyết định có về quê nhà sum họp gia đình hay phải chấp nhận ở lại trong dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay, nỗi thấp thỏm thưởng Tết của người lao động tăng lên khi vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung đều giảm đơn hàng, buộc phải thu hẹp hoạt động, giảm giờ làm công nhân… Bản thân doanh nghiệp cũng chật vật tìm giải pháp thu hồi công nợ, trả lãi suất ngân hàng, tìm khách hàng mới để trụ được trong năm 2023, mong sớm phục hồi trong năm tới. Vì vậy, dù các doanh nghiệp quan tâm, chia sẻ, cố gắng chi thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động thì việc thực hiện cũng không hề dễ dàng.

Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp công khai mức thưởng Tết hạn chót là ngày 19/1/2024. Đây cũng là cách biểu dương doanh nghiệp làm tốt, giữ chân người lao động trong thời kỳ khó khăn. Theo báo cáo mới đây của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 28/12/2023, có 1.289 doanh nghiệp với tổng cộng 288.039 lao động đã gửi báo cáo về tình hình lương năm 2023, thưởng Tết 2024.

Tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân 4,7 triệu đồng/người, cao hơn năm 2023 (3,3 triệu đồng/người). Còn thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân hơn 12,3 triệu đồng/người, giảm nhẹ so với 2023 (12,8 triệu đồng). Điều đáng nói, trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, 448 doanh nghiệp (hơn 34%) cho biết gặp khó trong việc thưởng Tết.

Tại tỉnh Bình Dương, hầu hết trong 998 doanh nghiệp đã công bố kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho người lao động ở địa bàn, với mức trung bình 6,8 triệu đồng, trong khi mức bình quân năm 2022 khoảng 7,2 triệu đồng. Ở Long An, với 825 doanh nghiệp gồm 105.008 lao động, mức tiền thưởng bình quân là 7 triệu đồng/người, mức tiền thưởng thấp nhất là 500.000 đồng do mới vào làm việc dưới 12 tháng.

Mặc dù số doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết 2024 chưa đầy đủ nhưng những thông tin thưởng Tết hiện có cũng đem lại cảm giác chạnh lòng cho công nhân lao động. Đó là có những người được thưởng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ. Trong khi đó, cũng có nhiều công nhân chỉ được thưởng Tết vài trăm nghìn đồng. Qua rà soát của các tổ chức công đoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có một số doanh nghiệp nợ lương hoặc không có thưởng Tết.

Với tình hình như vậy, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dự kiến năm nay, số lao động ở lại thành phố ăn Tết sẽ nhiều. Do đó, thành phố đã chuẩn bị kỹ để kịp thời chăm lo các đối tượng bị nợ lương hoặc không có thưởng Tết, giúp ổn định tình hình quan hệ lao động. Liên đoàn Lao động thành phố chuẩn bị 34 tỷ đồng và các liên đoàn lao động cấp quận, huyện chuẩn bị 95 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động…

Thưởng Tết nơi nhiều, nơi ít, thậm chí một số nơi không có thưởng tùy thuộc hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm của doanh nghiệp, nhưng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý người lao động. Do đó, để bảo đảm hài hòa quan hệ lao động và giữ chân lao động sau Tết, doanh nghiệp dù khó khăn đến mấy cũng cần có giải pháp lo thưởng Tết cho người lao động.

Đáp lại, người lao động cũng biết chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp nếu thưởng Tết năm nay thấp hơn năm trước và không như kỳ vọng. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động và doanh nghiệp cùng cảm thông, vượt qua khó khăn để tiếp tục đồng hành, nắm bắt cơ hội trong năm mới.