Hầu như ngày nào vợ chồng ông cũng tiếp khách từ sáng đến chiều tối, phục vụ mọi người đến tham quan, chụp ảnh, uống trà lá sen. Điều ấy đem lại niềm vui cho vợ chồng ông, bởi ông chăm sóc sen là để cho mọi người cùng thưởng thức.
Nhìn từ xa, có cảm giác căn nhà cổ lợp ngói ta trăm năm tuổi của ông Điệp như mọc lên giữa một đầm sen. Căn nhà ấy được các cụ trong gia đình xây năm 1922, toàn bằng gỗ lim. Nhưng thực tế, đó là một khu sân vườn, có đến cả mấy chục chậu sen, chủ yếu là dòng sen cung đình. Một ngày mùa hè của ông Tạ Hồng Điệp bắt đầu từ sớm, khi những ánh nắng đầu tiên chưa chiếu xuống khu vườn. Hai vợ chồng thăm nom “sức khỏe” của từng chậu sen, thu hái những chiếc lá sen vừa độ để làm trà lá sen.
Trồng trong chậu, ít bùn đất, nhưng lá sen nào cũng xanh mướt, những nụ sen khỏe khoắn đầy sức sống. Chăm nom xong, ăn sáng, thì đến việc… tiếp khách. Nhiều hôm, khách đem đủ đạo cụ chụp ảnh, quay phim suốt cả buổi, hết đoàn nọ đến đoàn kia.
Khu vườn sen nhà ông Điệp nổi tiếng mấy năm gần đây. Song, nó là kết quả của cả chục năm mày mò vừa trồng, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Vốn mê sen từ thời còn trẻ, ông nghĩ sen chỉ sống trong đầm hồ, nhà không có ao hồ thì chịu chết. Năm 2012, ông Điệp xin được giống một cây sen cung đình, được chia sẻ cách trồng sen trong chậu và bắt đầu thử nghiệm, nhân giống. Bao nhiêu ang, chum, vại trong nhà được ông lôi ra hết để trồng sen. Sen không quá khó tính đến mức không thể sống được, nhưng những năm đầu, các chậu sen sống lay lắt, vàng úa.
Ông tham khảo bạn bè, đọc sách rồi thử nghiệm cách xử lý trên khu vườn của mình. Ông Điệp cho biết: “Các cụ bảo sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” là hết sức thực tế. Sen rất kỵ các tạp chất bẩn, lạ. Do vậy, việc làm bùn cho sen phải cẩn thận, chọn loại bùn sạch, không lẫn các tạp chất hữu cơ hay rác. Tốt nhất là bùn lấy ở mặt ruộng lúa. Nếu không có bùn thì lấy đất ngâm nước rồi bóp thật nhuyễn. Có thể trộn thêm vào bùn khoảng một nắm phân vi sinh. Sau đó phơi nắng vài ngày rồi đổ nước sạch, cao hơn mặt bùn khoảng 10 cm. Làm như vậy sen mới ít bị bệnh, sinh trưởng tốt”. Sen ra hoa trong hai, ba tháng, nhưng chăm sóc phải cả một năm, kể cả lúc củ sen “ngủ đông” vẫn phải cung cấp dưỡng chất.
Ngay từ lúc những mầm sen đầu tiên sau thời gian ngủ đông chồi lên, thì công việc bắt đầu vất vả hơn. Thiếu chất thì sen còi, nhưng nhiều chất thì tốt lá, ít hoa. Ông quan sát lá sen để bắt bệnh cũng như để điều tiết việc chăm bón. Nhiều người bảo ông Điệp “hâm”, việc gì mà phải vất vả với mấy chậu sen như thế, khi thấy buổi tối ông cũng cầm đèn pin ra những chậu sen bắt sâu. Ông không muốn dùng thuốc sâu, mà buổi tối là lúc các loại sâu bệnh thường hoạt động mạnh.
Nhưng ông Điệp coi đấy là một thú vui, vì bắt sâu cho sen thì cũng được thưởng thức hương sen. Ngay khi chưa có hoa thì lá sen cũng đã có hương thơm dịu nhẹ. Phải đến khi các lu, chậu sen cứ nhân lên, rồi phủ kín khu sân vườn rộng đến hàng nghìn mét vuông của gia đình ông thì mọi người mới thán phục.
Vườn sen đẹp cũng là lúc mọi người tìm đến. Người ta lại bảo ông hâm, vì cho chụp ảnh thỏa sức mà không thu tiền. Khách lại còn được mời dùng trà lá sen do hai vợ chồng ông thu hái, chế biến. Trà lá sen của ông Điệp cũng khác. Trà lá sen ở đầm hồ thường thơm nhưng có vị chát, còn trà của ông Điệp thì thơm dịu. Ngoài hiểu cách chăm sen, ông còn nghiên cứu cách thu hoạch. Lá sen được ông thu hoạch sáng sớm, vào đúng độ, sau đó phơi “âm can”, tức phơi trong bóng râm.
Đó là cái đặc biệt của giống sen cung đình cũng như cách chế biến, nên không ai không mê trà lá sen ông Điệp. Nhiều người đến chủ yếu vì chụp ảnh, nhưng ông Điệp giới thiệu thêm một “tua” về quê hương Thường Tín của ông. Địa điểm ông thường nói đến nhất là chùa Đậu (Thành Đạo tự), nơi có hai pho tượng táng là những vị Thiền sư nổi tiếng. Có lẽ khó có gì thanh tịnh hơn khi kết hợp giữa chiêm bái chùa chiền rồi ngắm những chậu hoa sen. Nhiều người được thưởng thức sen, trà lá sen trong không gian cổ kính và tự nguyện trả tiền.
Ông Điệp không bao giờ nhận của ai. Vì ông muốn cùng mọi người chia sẻ cái hay, cái đẹp của cây sen, của những câu chuyện văn hóa về cây sen. Gần đây, khi nhà đã có ao, ông Điệp còn đưa giống sen bách diệp (trăm cánh) của hồ Tây về trồng trong ao.
Người ta thường trồng sen chủ yếu vì mục đích kinh tế, còn ông Tạ Hồng Điệp được gọi là người “chơi sen”, chơi sen vì mọi người.