Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa, từ năm 1943 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về văn hóa, xã hội và phát triển con người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang trở thành một nét đặc trưng riêng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Triển lãm không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại một doanh nghiệp.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang trở thành một nét đặc trưng riêng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Triển lãm không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại một doanh nghiệp.

Từ những chủ trương, nghị quyết đó, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bám sát thực tiễn phát triển để lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, phát triển văn hóa và con người thành phố qua mỗi thời kỳ; trong đó, có thể tạm chia thành hai giai đoạn: giai đoạn từ năm 1975 đến trước thời kỳ đổi mới (1986) và giai đoạn từ sau 1986 đến nay.

Phát huy các giá trị văn hóa

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7, tháng 12/2000 định hướng đến năm 2010, thành phố xác định: “Xây dựng môi trường, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc; xây dựng con người thành phố với những chuẩn mực của con người mới về tư tưởng, chính trị, về trình độ học vấn, về đạo đức, lối sống và thể lực”.

Nâng tầm và phát huy những kết quả đạt được, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Gần đây nhất là Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đón nhận với tâm thế quyết tâm thực hiện tốt các cơ chế góp phần đẩy mạnh sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố trong thời kỳ mới.

Theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong suốt 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới cho thấy: Nội dung, phương thức lãnh đạo của Thành ủy về xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người thành phố luôn chú trọng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa của thế giới,… để tạo nên văn hóa, con người “Đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, chấp nhận thử thách”, để luôn đi đầu của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải cho biết: Sau gần 40 năm, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, thành phố đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội, nổi bật là tư duy lý luận về phát triển văn hóa, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành, trong nhân dân ngày càng nâng lên; phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được chú trọng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; các thiết chế văn hóa ở cơ sở tiếp tục được nâng cao hiệu quả...

Bên cạnh đó, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được bảo tồn và phát huy; phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm phục vụ công tác bảo tồn; công tác chăm lo cho các diện chính sách có công, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là những trường hợp gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng văn hóa, xã hội và con người vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, văn hóa chưa thật sự được quan tâm đúng mức, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa còn chiều hướng nặng về giải trí, thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn.

Các quy định về chế độ đãi ngộ đối với lao động nghệ thuật đặc thù như nghệ thuật hàn lâm, xiếc, múa,… chưa tương xứng, khó thu hút nhân tài. Theo đồng chí Phạm Đức Hải, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong một bộ phận các cấp ủy và cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều; quản lý nhà nước về văn hóa còn thiếu chủ động, buông lỏng.

Xây dựng bản sắc văn hóa riêng

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật quan trọng của cả nước, đang ngày càng hội nhập và phát triển nhanh về kinh tế-xã hội; trong đó, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú và đa dạng. Thời gian qua, thành phố luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân góp phần tạo ra môi trường, đời sống văn hóa theo hướng tích cực.

Thành phố xác định quan điểm phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới là tập trung phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa-xã hội để hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm cả về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, của châu Á. Từ đó, Thành ủy đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; tập trung củng cố, sắp xếp, hoàn thiện các thiết chế văn hóa.

Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nghiên cứu từng bước triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành phố giai đoạn 2020-2030 góp phần quảng bá hình ảnh, con người thành phố; xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc của thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội và con người mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người đồng bộ với việc phát triển kinh tế.

Trong suốt 40 năm qua, thành phố đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, trong đó, các thành quả về văn hóa, xã hội và xây dựng con người là rất nổi bật. Tuy vậy, thành phố cũng thấy được nhiều vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người chưa thực hiện được như kỳ vọng, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế; còn nhiều vấn đề bất cập, giải pháp và kết quả đầu tư chưa tương xứng với vai trò của thành phố.

Trong tình hình đó, thành phố đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa-xã hội, con người trong giai đoạn tới; các cấp cần quan tâm đến hệ giá trị văn hóa xuyên suốt của thành phố, xây dựng văn hóa, con người thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được cốt cách, bản sắc vốn có.