Chú trọng quản lý, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải thành phố, toàn thành phố có 291 dự án khu dân cư không còn chủ đầu tư (chủ đầu tư giải thể, không còn pháp nhân) khiến công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật gần như bị lãng quên. Người dân sinh sống ở các khu dân cư đó chỉ biết “chịu trận” chứ không biết kêu ai.
0:00 / 0:00
0:00

Hệ quả là nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, ngập nước, nhưng chậm trễ được sửa chữa, gây bất tiện, trở ngại và nguy hiểm cho người dân. Còn với những công trình hạ tầng kỹ thuật do Sở Giao thông vận tải và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo trì thì kinh phí lại không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hiện Sở Giao thông vận tải đang quản lý hơn 1.500km đường với kinh phí bảo trì khoảng 1.600 tỷ đồng/năm. Các quận, huyện quản lý các tuyến đường với kinh phí bảo trì khoảng 800 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, kinh phí bảo dưỡng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu; ở cấp huyện còn thấp hơn, khoảng 40% nhu cầu. Do vậy, công tác duy tu, bảo trì đối với không ít tuyến đường gặp nhiều khó khăn, bị kéo dài… Không những vậy, có công trình cần bảo dưỡng nhưng không thể triển khai kịp thời do chưa bố trí được kinh phí…

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã và đang được nâng cấp vượt bậc, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Tuy nhiên, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn còn không ít hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân.

Vì vậy, người dân mong mỏi thành phố sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan và đơn vị liên quan; tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quản lý đối với từng nhóm hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong khâu dữ liệu, hồ sơ để công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hoặc khắc phục sự cố hiệu quả, nhanh chóng hơn.

Cùng với đó, thành phố cần theo dõi thường xuyên tình trạng hoạt động, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật; kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ hạ tầng kỹ thuật; thực hiện nghiêm chế độ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, định kỳ và đột xuất.

Tiếp đó, thành phố cần có chính sách đầu tư hiệu quả để hoàn chỉnh hệ thống thoát nước tại các tuyến đường giao thông và giải pháp xử lý tốt tình trạng ngập cục bộ khi có mưa lớn hoặc triều cường, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống chung quanh và đi lại trên tuyến đường bị ngập này.

Đối với các dự án nhà ở, khu dân cư, các cơ quan và đơn vị liên quan cần rà soát công tác bàn giao hạ tầng của các chủ đầu tư dự án, nhất là việc kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa dự án với khu vực dân cư chung quanh. Trong đó, xác định rõ vai trò của từng sở, ngành chức năng trong công tác quản lý; xác định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư; đồng thời, nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phân loại, xử lý các dự án.

Đối với các dự án chưa rõ chủ thể quản lý, cần có cơ chế nghiệm thu trên cơ sở hiện trạng, phân cấp quản lý và bố trí kinh phí bảo dưỡng… Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực ven bờ sông Sài Gòn, trong đó, sớm có giải pháp hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn để giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.