Chống lãng phí từ các dự án chậm tiến độ

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm ví quan liêu, lãng phí là giặc nội xâm, nguy hiểm như tham nhũng. Hành vi tham nhũng là của những người có chức quyền, nhưng lãng phí thì ai cũng có thể, do đó lãng phí rất nguy hiểm, lãng phí có thể gặm nhấm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền.
0:00 / 0:00
0:00
Đường vành đai 2, đoạn đi qua thành phố Thủ Đức chưa giải phóng được mặt bằng.
Đường vành đai 2, đoạn đi qua thành phố Thủ Đức chưa giải phóng được mặt bằng.

Nhìn vào những công trình nghìn tỷ đồng chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy thành phố đang để lãng phí lớn nguồn lực. Hàng nghìn căn hộ tái định cư xây xong bỏ hoang trong khi người nghèo, người thu nhập thấp lại thiếu nhà để ở.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chưa rõ ngày hoàn thành khi những vướng mắc lại liên quan thủ tục, thể chế, trong khi thành phố cứ mưa là ngập. Ngập từ vùng ven cho đến nội đô.

Tuyến Metro số 1 đã kéo dài 16 năm, thiệt hại rất lớn; đường vành đai 2 (đoạn qua thành phố Thủ Đức) dài chỉ 2,7 km phải dừng triển khai 4 năm vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, khiến toàn tuyến đường dài 70 km không thể khép kín.

10 tháng trôi qua, Thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân vốn đầu tư công được 20%, trong khi chỉ tiêu năm 2024 là 95%, kéo theo đó là nguy cơ hàng loạt công trình chậm tiến độ, dòng vốn bị tắc nghẽn. Tiền có mà không dùng được cũng là một loại lãng phí.

Một dự án bị chậm trễ không chỉ gây tổn thất về tài chính mà còn làm mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế, làm gián đoạn tạo công ăn việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và chất lượng cuộc sống của người dân.

Đó là chưa kể các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cơ bản của người dân khi đóng thuế, khi tách thửa hay đề nghị cấp phép xây dựng… Đây được gọi là lãng phí cả nhân lực lẫn vật lực, là rào cản phát triển kinh tế.

Lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh cần coi “chống lãng phí” là một nhiệm vụ cấp bách, phải được thực hiện vừa thường xuyên, vừa lâu dài bằng những giải pháp căn cơ, quyết liệt.

Trước hết, mạnh dạn cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo trên tinh thần vì lợi ích chung; sàng lọc, gỡ khó cho từng dự án, từng công trình cụ thể để sớm khởi công xây dựng hay đưa vào sử dụng là cách chống lãng phí hiệu quả nhất; lên danh sách các dự án chậm tiến độ, tìm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền, lấy đó làm gương, mang tính răn đe cho những dự án khác; tinh gọn bộ máy bằng cách kiên quyết nói không với những cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Chỉ khi nào coi những biểu hiện nêu trên cũng là một loại bệnh thì khi ấy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở cán bộ mới được phát huy tích cực.

Bên cạnh đó, Đảng bộ thành phố cần tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực; nhất là tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc.

Tiết kiệm, chống lãng phí phải được Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để…