Theo Ban Tổ chức, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lần 3 có 292 tác phẩm gửi về. So với các giải lần trước, số lượng văn nghệ sĩ gửi tác phẩm xét giải có phần nhiều hơn. Điều này cho thấy, giải thưởng thu hút đông đảo sự quan tâm của văn nghệ sĩ, là hoạt động ý nghĩa khích lệ các văn nghệ sĩ có thêm động lực, tinh thần sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng cao, góp phần phát triển hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố. Từ 292 tác phẩm này, Hội đồng chuyên ngành các Hội Văn học nghệ thuật thành phố đã chọn 55 tác phẩm, giới thiệu cho Hội đồng chung khảo xét chọn, xếp loại.
Đánh giá về chất lượng đợt trao giải lần 3, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Nguyễn Trường Lưu cho biết: Nhiều tác phẩm có nội dung nói về quá trình đấu tranh để xây dựng xã hội và con người, đề tài về cuộc đấu tranh cách mạng,... được thể hiện phong phú và có nội dung tư tưởng tốt.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả của đợt trao giải lần này với chỉ một tác phẩm được trao Giải nhất (ở lĩnh vực múa) cho thấy, chất lượng của các tác phẩm tham dự giải chưa cao, chưa có những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm mang tính tìm tòi, đột phá về nghệ thuật. Riêng ở lĩnh vực văn học, vẫn còn thiếu những tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn có chất lượng cao để trao giải. Bên cạnh đó, nhìn vào con số gần 300 tác phẩm tham gia xét giải so với số hội viên hơn 5.000 thuộc các lĩnh vực thì số tác phẩm tham dự vẫn còn khá ít, có nhiều lĩnh vực chỉ có 9-10 tác phẩm tham gia xét giải.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là một giải thưởng cao quý của thành phố. Nhiều năm qua, giải thưởng không chỉ ghi nhận nỗ lực, cống hiến của các văn nghệ sĩ có tác phẩm, công trình giá trị mà còn là sự động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo với nhiều hoài bão và khát vọng. Các tác phẩm văn học nghệ thuật được đề xuất xếp hạng và trao giải qua các đợt đã phản ánh khá toàn diện về sự phát triển của đời sống văn học nghệ thuật và nỗ lực sáng tạo không ngừng của văn nghệ sĩ thành phố mang tên Bác.
Không chỉ thế, qua mỗi lần trao giải, lãnh đạo thành phố, các đơn vị quản lý văn học nghệ thuật có dịp nhìn lại đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật, những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để có thể phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, một số nội dung chưa phù hợp trong quy chế xét giải cần nhanh chóng sửa đổi để phù hợp với thực tế của đời sống văn học nghệ thuật hiện nay, nhiều tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật được tôn vinh xứng đáng, kịp thời trong mỗi đợt xét giải.
Nhìn lại lịch sử văn học Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ chưa bao giờ lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật lại phong phú, hội tụ đông đảo như giai đoạn 50 năm sau ngày thống nhất đất nước. Kế thừa xứng đáng thế hệ đi trước, các văn nghệ sĩ hôm nay không ngừng rèn luyện, nỗ lực sáng tạo, để cho ra đời những tác phẩm gây tiếng vang, đoạt giải thưởng trong và ngoài nước. Họ cần sự khích lệ, đồng hành và lắng nghe từ lãnh đạo thành phố đến giới chuyên môn và người yêu văn chương để có thêm động lực, tiếp tục vững bước trên hành trình sáng tạo của mình.
Chính vì thế, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố cần chủ động phát huy vai trò tập hợp, dẫn dắt, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước và của thành phố, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm mang ý nghĩa tích cực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Những tác phẩm đạt giải Văn học nghệ thuật cần được quảng bá sâu rộng với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, để thành quả của văn nghệ sĩ đến được với công chúng; góp phần làm lan tỏa, thấm sâu các giá trị chân-thiện-mỹ của các tác phẩm văn học nghệ thuật trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân thành phố và cả nước.