Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố nhận thấy: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận không cao, lao động được tuyển dụng đa số chưa qua đào tạo và chưa có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận nghề (nhất là các ngành nghề thâm dụng lao động). Cùng với đó, việc cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận nghề chưa rõ ràng. Nhiều địa phương có nhiều doanh nghiệp trú đóng với nhu cầu lao động dồi dào cũng thừa nhận, công tác dự báo nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng kịp thời với sự biến động của thị trường lao động; nhất là chưa có sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động; cũng như chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức nêu một số khó khăn trong công tác quản lý về lao động và việc làm, trong đó chi phí hỗ trợ đào tạo nghề thấp so với bình quân học phí các nghề đào tạo. Tại thành phố Thủ Đức, công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp bậc trung học để đi học nghề còn hạn chế, do vẫn còn tâm lý phụ huynh quá trọng bằng cấp. Tính đến năm 2024, trên địa bàn thành phố Thủ Đức có trên 52.290 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 297.458 lao động, với tổng số vốn đăng ký trên 746.511 tỷ đồng. Địa phương này được xem là nơi thu hút số doanh nghiệp với nhiều loại hình hoạt động, nhất là các doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động tại Khu công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2... có nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, “đầu ra” lao động vẫn là những ngành nghề thâm dụng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp cần.
Một số địa phương như Quận 12, huyện Củ Chi, Bình Chánh cũng đối mặt với một số bất cập trong lĩnh vực đào tạo nghề do địa phương thực hiện cho diện chính sách như việc giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù... chưa thật hiệu quả. Nguyên nhân chính là do sức khỏe của những người lao động nhóm này hạn chế. Nguyên nhân khác do khó khăn trong việc tiếp cận để khảo sát, tư vấn, vận động người sau cai nghiện và người chấp hành xong án phạt tù tham gia các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Một phần nguyên nhân nữa là do nhóm lao động này ít có nhu cầu về học nghề, giải quyết việc làm.
Để cung, cầu lao động gặp nhau, các địa phương cho rằng, các sở, ngành chức năng cần tham mưu, đề xuất thành phố xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; trong đó chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc; đẩy mạnh chương trình phối hợp các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động. Gắn đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; tăng cường các giải pháp hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp sau đào tạo. Cần xây dựng phần mềm quản lý đào tạo trực tuyến; thư viện điện tử, phần mềm kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo.
Như vậy mới kỳ vọng tạo nguồn lực lao động dồi dào, giảm sự “lệch pha” giữa cung và cầu, giúp Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới và hội nhập quốc tế, xứng tầm là một trong những thành phố lớn, năng động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu cho các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố đến năm 2025.