Hiểm họa khi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại

Trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, việc sử dụng điện thoại, thiết bị nghe nhìn là rất nguy hiểm. Dù đã được các hãng xe, chuyên gia cảnh báo, song không ít trường hợp vẫn phớt lờ và gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh.

Đơn cử mới đây, lái xe T.D.K (sinh năm 1987, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) trong quá trình điều khiển xe ô-tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc lưu thông trên Tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi, khi đến thị trấn Củ Chi thì bất ngờ đâm sập dải phân cách, lao qua làn đường ngược lại, đâm sập hoàn toàn một căn nhà bên đường. Vụ tai nạn khiến lái xe tử vong trong ca-bin. Bước đầu, cơ quan điều tra nhận định, có thể do lái xe vừa lái xe vừa xem iPad nên dẫn đến lạc tay lái và nghi vấn lái xe đã điều khiển phương tiện liên tục quá bốn giờ đồng hồ.

Qua phân tích nhiều vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố cho thấy, nguyên nhân do lái xe thiếu tập trung quan sát chiếm tỷ lệ khá cao; trong đó, có hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Việc này làm giảm đáng kể khả năng tập trung quan sát, phán đoán và tốc độ phản ứng của lái xe.

Đối với xe máy, việc điều khiển xe bằng một tay thiếu chắc chắn, giảm khả năng linh hoạt điều hướng so với điều khiển xe bằng cả hai tay. Khi tay trái cầm điện thoại sẽ khiến lái xe không thể sử dụng phanh kết hợp trước và sau, người lái bị giật mình theo quán tính nên thường sử dụng phanh trước (tay phải) mạnh và đột ngột, khiến xe dễ bị trượt bánh, quãng đường phanh dài, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Việc sử dụng điện thoại qua loa ngoài hoặc tai nghe cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Lý do bởi, não bộ con người không thể thực hiện hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ, dễ bị phân tâm, mất tập trung khi quan sát và điều khiển phương tiện. Ngoài ra, âm thanh lớn từ hệ thống loa trên xe ô-tô hoặc tai nghe có thể lấn át âm thanh cảnh báo từ các phương tiện đang lưu thông khác.

Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện từ 80 nghìn đến ba triệu đồng đối với người điều khiển xe ô-tô hoặc các loại xe tương tự xe ô-tô. Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô-tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; người điều khiển xe ô-tô hoặc các loại xe tương tự xe ô-tô còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ một đến ba tháng; hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ hai đến bốn tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

Có thể thấy mức chế tài nêu trên vẫn chưa đủ sức răn đe bởi tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ trong quá trình lái xe vẫn còn phổ biến. Việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe có mức độ nguy hiểm cao không chỉ đối với bản thân mà với cả cộng đồng. Để nâng cao ý thức an toàn giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố giao thông từ hành vi này, ngoài việc tuyên truyền, cơ quan chức năng cần xem xét tăng nặng mức phạt đối với hành vi này.