Cấu trúc lại công nghiệp trong sự dịch chuyển toàn cầu

Các xu hướng toàn cầu đang tái định hình bối cảnh công nghiệp, đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh phải thích ứng những thay đổi này để duy trì lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Có thể kể đến ba xu hướng có ảnh hưởng nhất hiện nay để thành phố tận dụng cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng, đó là: Chuyển đổi số, cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, sự cấp thiết của phát triển bền vững.
Sản xuất tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Sản xuất tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Ðối với chuyển đổi số, đây là xu hướng đang đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và robot tiên tiến… đang cách mạng hóa các quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh. Những tiến bộ này làm giảm chi phí và góp phần triển khai các quy trình sản xuất chính xác, qua đó định hình lại các hoạt động công nghiệp toàn cầu.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng những “vượt trội” của chuyển đổi số mang lại là cơ hội đáng kể để nâng cao vị thế là một trung tâm công nghiệp được thúc đẩy bởi công nghệ. Lực lượng lao động trẻ của thành phố và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đang được nâng cấp tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực như điện tử, sản xuất và dịch vụ.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, thành phố cần phải giải quyết những thách thức hiện tại, bao gồm sự thiếu hụt kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ cao và yêu cầu về các chương trình giáo dục và đào tạo kỹ thuật số toàn diện hơn.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trải qua quá trình cơ cấu lại chiến lược khi các công ty, tập đoàn áp dụng chiến lược “tái định vị chuỗi cung ứng” về các quốc gia “an toàn” hơn để giảm rủi ro liên quan căng thẳng địa chính trị và “chiến tranh” thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Sự dịch chuyển này phản ánh xu hướng chung về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất và ưu tiên tính linh hoạt và bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí chiến lược ở Ðông Nam Á, có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng được cấu trúc lại, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao như điện tử, vi mạch bán dẫn, sản phẩm công nghệ cao. Ðể nắm bắt cơ hội này, thành phố cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực logistics và đơn giản hóa thủ tục pháp lý để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, các tập đoàn toàn cầu đang tìm kiếm địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

Tính bền vững và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh đang ngày càng trở nên quan trọng khi các ngành công nghiệp trên toàn thế giới ưu tiên giảm phát thải nhà kính và áp dụng cách thực hành thân thiện với môi trường. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đang dần được chú trọng, khuyến khích quản lý chất thải hiệu quả và tái sử dụng vật liệu trong các ngành công nghiệp.

Cùng với đó, sự phát triển của tài chính xanh cũng đang thúc đẩy dòng vốn vào các dự án đề cao tính bền vững môi trường. Xu hướng này mang lại cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững, công nghệ xanh, tài chính xanh. Ðể thu hút các dự án xanh này, thành phố cần “định vị” cho mình một chiến lược phát triển kinh tế xanh, cơ chế tài chính xanh bằng cách thúc đẩy các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố cần khắc phục yếu điểm về môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn, nước thải, ngập lụt. Ðây là những thách thức, và để giải quyết được những vấn đề này, thành phố cần có quy hoạch đô thị bài bản, quản lý môi trường, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và khuyến khích thị trường cho các sản phẩm tài chính xanh, năng lượng xanh…