Đây là bệnh viện đầu tiên trên địa bàn Quận 3 lắp đặt và sử dụng hai kiosk y tế thông minh được phát triển bởi hai đơn vị là HDBank và Trung tâm RAR (thuộc C06, Bộ Công an). Trước đó, mô hình "Kiosk y tế thông minh" cũng đã được HDBank tài trợ để lắp đặt và đưa vào vận hành ở Bệnh viện Quận 1 (2 cơ sở). Đáng chú ý, vào đầu tháng 7/2024, thành phố cũng là địa phương có đơn vị đầu tiên của cả nước được lắp đặt và triển khai hoạt động "Kiosk y tế thông minh", đó là Bệnh viện quận Phú Nhuận.
Kiosk y tế thông minh là thiết bị điện tử tích hợp ứng dụng/phần mềm "Giải pháp Medipay" cho phép người sử dụng đăng ký khám,chữa bệnh, định danh và xác thực căn cước công dân gắn chip, tạm ứng, thanh toán viện phí trực tiếp trên thiết bị. Kiosk y tế thông minh giúp người dân đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí qua căn cước công dân có gắn chip, ứng dụng VSSID, VNeID (mức độ 2), công nghệ nhận diện khuôn mặt một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Việc đưa kiosk y tế thông minh đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tình trạng quá tải công tác khám, chữa bệnh cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế. Đồng thời, thiết bị này cũng giúp giảm tối đa thời gian cho người bệnh trong việc đăng ký khám, chữa bệnh, thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt), kiểm soát được lịch sử khám, chữa bệnh, lịch sử giao dịch, miễn phí thanh toán đa kênh trong quá trình khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế…
Việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình khám, chữa bệnh là một trong những chủ trương lớn của ngành y tế, đã và đang được triển khai ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Việc này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, giảm bớt việc sử dụng các giải pháp thủ công, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí thực hiện nhưng chất lượng dữ liệu về bệnh nhân vẫn bảo đảm chính xác; qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người dân.
Theo lộ trình của Đề án 06, thời gian tới, mô hình "Kiosk y tế thông minh" sẽ được triển khai rộng rãi ở nhiều cơ sở y tế. Đây cũng là mong muốn của người dân, để dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng đơn giản, thuận lợi, ít tốn kém thời gian và chất lượng tốt hơn. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030" cho giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân, hướng đến xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân, nhằm phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn.
Và đầu tháng 11 này, Ủy ban nhân dân thành phố đã có quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo", nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại tiếp cận trình độ công nghệ thế giới.
Đề án này gồm nhiều nội dung như: Quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành y tế phù hợp quy hoạch chung thành phố; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y dược; phát triển các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng; phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền…
Người dân kỳ vọng, cùng với việc nhanh chóng nhân rộng mô hình "Kiosk y tế thông minh", việc sớm triển khai đề án nêu trên sẽ mang lại nhiều điều tích cực như: Nâng cao khả năng chẩn đoán, điều trị và trình độ chuyên môn của y, bác sĩ; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo công bằng trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp, chất lượng; rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh.