Đẩy nhanh các giải pháp ứng phó ngập do triều cường

Dù phải chịu cảnh ngập lụt do triều cường nhiều năm nay nhưng khi hay tin đỉnh triều trong đợt này có thể lên đến 1,78m, ông Nguyễn Phước Tài, 61 tuổi, ngụ Phường 27 thuộc khu Thanh Ða, quận Bình Thạnh nơm nớp lo. Mấy ngày qua, khi thủy triều tiếp tục dâng lên, ông cùng các thành viên trong gia đình phải di chuyển đồ đạc lên cao để tránh hư hỏng.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ngập do triều cường trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7. (Ảnh THẾ ANH)
Tình trạng ngập do triều cường trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7. (Ảnh THẾ ANH)

Nhiều năm qua, gia đình ông Tài đã nhiều lần nâng nền nhà nhưng mỗi khi triều lên ngập vẫn hoàn ngập. Nhà nâng thì đường cũng nâng, gia đình đã quen với cảnh rác thải, mùi hôi thối theo nước triều tràn vào nhà mình.

Ở cách đó không xa, hàng trăm hộ dân thuộc phường Hiệp Bình Chánh cũng trong tình cảnh khóc dở, mếu dở khi triều dâng lên gây ngập nhanh, rút chậm, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân trở nên vất vả hơn. Nhiều tuyến đường như Ðường 38, Ðường số 6, đường Tam Bình... vẫn ngập nặng sau nhiều ngày triều dâng.

Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Ðỉnh triều trong đợt triều cường tháng 9 âm lịch năm nay lên đến 1,78m. Ðây là mức triều cao nhất từ đầu năm khiến nhiều tuyến đường ở nhiều khu vực như: Bình Thạnh, Quận 7, Nhà Bè, thành phố Thủ Ðức… ngập sâu, xe chết máy, nhà người dân tại khu vực trũng thấp bị nước bủa vây, đời sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng nặng nề.

Câu chuyện úng ngập vì triều cường là vấn đề đã xảy ra nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng việc giải quyết căn cơ thì chưa được thực hiện đúng với nguyện vọng của người dân. Triều cường gây hư hại cho hạ tầng giao thông công cộng và tài sản của người dân. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn biến khó lường và triều cường vẫn tiếp tục dâng cao qua từng năm.

Với lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, hệ thống thoát nước của Thành phố Hồ Chí Minh đã cũ kỹ, xuống cấp, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, khiến tình trạng ngập úng do mưa và triều cường ngày một nghiêm trọng.

Ðể giải quyết tình trạng này, những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều dự án chống ngập do triều; tuy nhiên đến nay, nhiều dự án vẫn còn dang dở. Ðơn cử, dự án giải quyết ngập do thủy triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với nguồn vốn 10.000 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016 với mục tiêu kiểm soát ngập lụt cho 570 km² và bảo vệ 6,5 triệu cư dân ven sông Sài Gòn. Dù đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc nhưng dự án đã bị tạm dừng từ năm 2020 do những vướng mắc về tài chính và pháp lý.

Nhằm gỡ vướng cho dự án này, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ liên quan về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tương tự, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1547/QÐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Quy hoạch đặt mục tiêu giải quyết tình trạng ngập úng ở thành phố thông qua các giải pháp kiểm soát thủy triều và chủ động hạ thấp mực nước trên các kênh rạch thuộc khu vực được quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, nhiều công đoạn vẫn chưa hoàn thành. Trước đó, thành phố cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch này nhằm điều chỉnh phù hợp thực tiễn.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khắc nghiệt, các dự án cần được thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn để không chỉ giảm ngập úng cho người dân mà còn tránh lãng phí tiền của Nhà nước.