Kết quả khảo sát cho thấy, áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công. Hơn 75% số công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều, hoặc rất nhiều.
Một tỷ lệ khá cao (hơn 43%) các công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp. Một nghịch lý là dù có tới hơn 74% số công chức cho rằng, sẽ sẵn sàng thực hiện mọi việc để ở lại cơ quan, đơn vị mình đang công tác, nhưng lại có tới hơn 43% số công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội, gần 22% còn đang phân vân.
Những lý do nổi bật khi công chức lựa chọn rời bỏ công việc, gồm: thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến. Áp lực công việc tập trung ở cấp cơ sở, gánh nặng quá tải công việc tập trung với nhóm công chức ở phường, xã, thị trấn.
Có đến 80,48% số công chức ở nhóm này đánh giá khối lượng công việc ở mức "nhiều" và "rất nhiều". Ðây là cấp có mức thu nhập thấp nhất, khối lượng công việc nhiều, có tỷ lệ hài lòng đối với công việc, đồng thời tỷ lệ sẵn sàng thay đổi công việc cao nhất. Chế độ tiền lương là một vấn đề lớn, mức thu nhập quá thấp là một trong những lý do hàng đầu cho việc sẵn sàng thay đổi công việc của công chức khi có cơ hội.
Ðối với kết quả khảo sát về viên chức cũng cho thấy một số vấn đề bất cập cần được tháo gỡ, như nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu nhân lực; thu nhập chưa tương xứng kết quả công việc; 11,8% số cơ quan, đơn vị được khảo sát cho rằng thiếu kinh phí hoạt động.
Bên cạnh thu nhập chưa tương xứng thì việc thiếu nhân lực sẽ dẫn tới viên chức phải làm việc quá sức, căng thẳng, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho họ không hài lòng hoặc có ý định bỏ việc, chuyển việc.
Tuy nhiên, bức tranh về viên chức có gam màu sáng hơn công chức khi 70% số người trả lời là sẽ không rời bỏ đơn vị dù có nơi khác mời với thu nhập cao hơn, vì đang hài lòng với các mối quan hệ ở nơi làm việc hiện tại; 70% số ý kiến đồng ý và hoàn toàn đồng ý cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc. Phần lớn số viên chức tự đánh giá bản thân bảo đảm hoàn thành khối lượng công việc được giao, đúng tiến độ và đạt chất lượng.
Nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh gắn với việc phục vụ nhu cầu, vận hành của một đô thị đặc biệt với quy mô thực tế hơn 10 triệu dân, có vị trí, vai trò đặc biệt về kinh tế. Các giao dịch, tương tác của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với khu vực công, lượng hồ sơ, thủ tục hành chính cần phải giải quyết, khối lượng dịch vụ công cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tỷ lệ nhập cư, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn… đều chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước.
Thực tiễn về yêu cầu quản lý của một siêu đô thị đang phát triển nhanh và mạnh đặt ra yêu cầu về xây dựng mô hình và phương thức quản lý nhà nước phù hợp và hiệu quả hơn. Cho nên, thực tế đặt ra đòi hỏi thành phố cần xây dựng một nền công vụ hiện đại để phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển là rất cấp thiết.
Ðể làm được điều này, ngoài việc chuẩn bị các nền tảng phát triển nền công vụ chuyên nghiệp; tập trung hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ bộ máy chính quyền đô thị thì việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức bảo đảm chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo và bảo đảm thu nhập cho đội ngũ này yên tâm làm việc là vấn đề cấp bách, giữ vai trò then chốt.