Khắc phục việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho người dân và doanh nghiệp, tại dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính vừa đề xuất giao thêm thẩm quyền quyết định hoàn thuế nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết hoàn thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tắc nghẽn thật sự trong công tác hoàn thuế VAT được xác định là do phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian khi xác minh hồ sơ hoàn thuế.

Suốt ba năm nay, câu chuyện chậm hoàn thuế VAT vẫn chưa được giải quyết thấu đáo khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, phải hoạt động cầm chừng, có nguy cơ phải đóng cửa hoạt động.

Thí dụ như nhiều doanh nghiệp ngành cao su tại thành phố vẫn đang mắc kẹt số tiền hoàn thuế hàng trăm tỷ đồng gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu cao su đi các nước. Câu chuyện nóng nhất tại Hội nghị đối thoại thuế của Tổng cục Thuế với 300 doanh nghiệp phía nam diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua tại thành phố vẫn là những than phiền của các doanh nghiệp về tình trạng vướng mắc trong hoàn thuế VAT…

Giải thích tình trạng chậm hoàn thuế VAT, Bộ Tài chính cho rằng: Luật Quản lý thuế hiện hành quy định chỉ có Cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Trên thực tế, việc thu thuế, xử lý hồ sơ thuế được thực hiện không chỉ ở cục thuế mà ở cả các chi cục thuế. Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế thường kéo dài và có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa chi cục thuế và cục thuế.

Lý do, người nộp thuế không thuộc cục thuế quản lý nhưng cục trưởng thuế lại phải quyết định hoàn thuế; từ đó, cục thuế phải yêu cầu chi cục thuế giải trình, cung cấp, làm rõ đầy đủ, thông tin nhằm tránh rủi ro cho công chức tại cục thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất

sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 76 theo hướng bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế của cục trưởng thuế doanh nghiệp lớn, chi cục trưởng thuế và chi cục trưởng chi cục thuế khu vực nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết hoàn thuế cho cơ quan thuế các cấp theo hướng cơ quan thuế nào tiếp nhận hồ sơ phải trực tiếp giải quyết và quyết định hoàn thuế, góp phần giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh.

Những đề xuất trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm và kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn lớn cho doanh nghiệp trong công tác hoàn thuế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến thời gian hoàn thuế VAT kéo dài là do các chi cục thuế phải xác minh quá nhiều tầng nấc trung gian.

Cụ thể, theo quy định tại Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp phải xác định nguồn gốc hàng hóa từ F1, F2, F3… Quá trình các chi cục thuế đối chiếu, xác minh nguồn gốc hàng hóa qua nhiều tầng, thậm chí xác minh cả doanh nghiệp nước ngoài rồi phải chờ các cơ quan liên quan phản hồi nên càng mất nhiều thời gian.

Với nhiều yêu cầu quá chi tiết, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, ngành nghề khác nhau đã gây nghẽn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý thuế. Trong khi Luật Quản lý thuế không yêu cầu thì những quy định dưới luật đã khiến cho hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp kéo dài.

Những đề xuất sửa đổi trong dự án Luật Quản lý thuế như nêu trên là giải pháp để giảm thủ tục hành chính trong hoàn thuế, nhưng điều quan trọng là các quy định cần được sửa đổi, bổ sung làm sao để có thể khắc phục được những vướng mắc trong công tác hoàn thuế trong thời gian tới.

Luật Quản lý thuế cần quy định rõ các điều kiện để được hoàn thuế VAT, thời gian hoàn thuế, cũng như trường hợp nào được hoàn thuế trước, kiểm tra sau…

Với mục tiêu và phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, các cơ quan thuế cần bảo đảm quy định của pháp luật là giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp trong vòng 40 ngày, rồi kiểm tra sau. Có như vậy mới bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp sau khi đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.