Chủ động ứng phó với những tác động sau bão

Bão số 3 đi qua địa bàn thành phố Hà Nội đã gây ra mưa to và dông lốc, gió mạnh, làm gãy đổ nhiều cây xanh, mất điện ở một số huyện, ngập úng cục bộ. Nhờ việc chuẩn bị kỹ các phương án, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực truyền thông để người dân hợp tác, chấp hành công tác phòng, chống bão cho nên thành phố giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của do bão gây ra.
0:00 / 0:00
0:00

Ngay sau khi bão đi qua, trong ngày 8/9, các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị và đông đảo người dân Thủ đô đã nỗ lực thu dọn, khắc phục hậu quả, về cơ bản đã bảo đảm giao thông, sinh hoạt của người dân ổn định, học sinh quay trở lại trường học từ ngày 9/9.

Tuy nhiên, sau bão số 3, mực nước các hồ chứa nước lớn trên địa bàn thành phố đều ở mức cao; mực nước sông Tích, sông Bùi, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang đều ở trên mức báo động II, báo động III. Trong thời gian tới, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Ðể chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, tối 8/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

Các đơn vị khắc phục kịp thời các thiệt hại do thiên tai gây ra; dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân. Ngành y tế chỉ đạo các bệnh viện chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các trường hợp người bị thương do ảnh hưởng của bão đang nằm điều trị tại các bệnh viện; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai phương án tiêu độc, khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đôn đốc, hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp huyện và chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục, phục hồi sản xuất, bơm tiêu úng, buộc dựng, cứu lúa vụ mùa; rà soát, đánh giá, thống kê, hỗ trợ thiệt hại theo quy định; xây dựng phương án tăng cường sản xuất vụ Ðông để bù đắp cho những diện tích rau màu vụ mùa bị thiệt hại.

Các đơn vị, ngành chức năng cần sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt lưu tâm, rút kinh nghiệm đối với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến gió, bão, ngập lụt, sạt lở đất thời gian qua. Các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang, như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Ðức càng cần phải đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó với những tác động sau bão.