Cây đại thụ cuối dải Trường Sơn

NDO - Trong chiến tranh, đồng bào Xtiêng ở sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) ngày đêm giã gạo nuôi quân; sẵn sàng ăn củ rừng, nấu ăn bằng nước lọc từ tro cỏ tranh để nhường gạo, muối cho bộ đội. Và không ít người người con ưu tú của đồng bào Xtiêng từng chiến đấu bảo vệ buôn làng trong chiến tranh và bây giờ lại tích cực trong việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc tại địa danh cách mạng này, điển hình là già làng Điểu Lên.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng Điểu Lên cùng con cháu dưới bóng cây Kơ nia ở sóc Bom Bo.
Già làng Điểu Lên cùng con cháu dưới bóng cây Kơ nia ở sóc Bom Bo.

Từ thành phố Đồng Xoài chạy theo Quốc lộ 14 hướng về Tây Nguyên khoảng 50km là đến sóc Bom Bo. Tiếp chúng tôi, già làng Điểu Lên - một dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa năm nay gần bước sang tuổi bát tuần nhưng thân hình vẫn rắn rỏi và mắt quắc thước với nụ cười hóm hỉnh. Những câu chuyện buôn làng đánh giặc lại hiện về trong người cựu chiến binh này.

Theo già Lên kể, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân Xtiêng của đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của nhân dân ta. Thông thường thì người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau. Nhưng vào những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, quân địch gắt gao càn quét, bộ đội đang thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt. Với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào Xtiêng ở sóc Bom Bo đã hưởng ứng khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già trẻ, gái trai đồng lòng đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến.

Cây đại thụ cuối dải Trường Sơn ảnh 1

Già làng Điểu Lên chăm sóc vườn cây của gia đình.

Khi đó già làng Điểu Lên là một chiến sĩ du kích, một trong những anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ nhớ lại: “Những năm đầu thập niên 1960, Mỹ - Ngụy liên tục càn phá, muốn đẩy dân vào ấp chiến lược để tiêu diệt cách mạng, muốn cắt đứt mối dây liên hệ của người dân với cách mạng. Thấy vậy cả sóc Bom Bo kiên quyết không chịu vào ấp chiến lược”.

Cũng theo già Lên, đến khoảng năm 1963, khi quân địch vây bắt và khủng bố liên miên thì cả già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã âm thầm băng rừng vượt suối vào căn cứ Nửa Lon để theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, rồi vừa lao động sản xuất vừa đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, đi du kích, làm giao liên, còn phụ nữ và trẻ em thì ngày đêm giã gạo nuôi quân.

Với người dân sóc Bom Bo, già Điểu Lên là linh hồn của cả buôn làng, người truyền lửa cho Bom Bo chiến đấu, giã gạo nuôi quân phục vụ cách mạng khi xưa. Đất nước giải phóng, năm 1977, ông Điểu Lên làm Phó bí thư Huyện đoàn Phước Long, sau mấy năm thì về làm Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nhau. Năm 1988, tái lập huyện Bù Đăng, ông Điểu Lên trở về quê hương cũ… Ông đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và ba lần được tặng danh hiệu dũng sĩ.

Sóc Bom Bo hôm nay đã đổi thay nhiều. Những con đường rải nhựa phẳng lì thay đường đất đỏ chạy dài giữa những vườn điều, cà phê xanh tươi, thấp thoáng những mái nhà xây kiên cố, đẹp đẽ của đồng bào dân tộc. Tuy tuổi đã cao nhưng già Lên vẫn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và truyền giữ những nét đẹp văn hóa của người Xtiêng. Bằng chính cuộc đời và uy tín của mình, già làng Điểu Lên đã giúp người Bom Bo tin tưởng và hiểu hơn các chủ trương của Đảng, chung sức, đồng lòng xây dựng sóc Bom Bo ngày càng giàu đẹp.

Cây đại thụ cuối dải Trường Sơn ảnh 2

Sóc Bom Bo ngày nay.

Gần 60 năm tuổi Đảng, già Điểu Lên đã được Bộ Quốc phòng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước… tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Ông cũng đã hai lần ra Thủ đô Hà Nội vinh dự được gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong các lần tổ chức gặp mặt già làng tiêu biểu toàn quốc.