Hà Nam đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam có 100% số xã (83/83 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu năm 2024 công nhận thêm từ 8 đến 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,96%.
0:00 / 0:00
0:00
Việc sử dụng máycấy giúp nông dân Hà Nam giảm chi phí và ngày công lao động.
Việc sử dụng máycấy giúp nông dân Hà Nam giảm chi phí và ngày công lao động.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ công nhận cho 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố) của Hà Nam đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 130 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận 38 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 32 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo đa chiều còn khoảng 2,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 93,7%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt 94,3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,6%.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc cho biết, trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 đối với 17 xã gồm: Bình Nghĩa, La Sơn, Bồ Đề, Đồn Xá, Tràng An, Đồng Du (huyện Bình Lục); Nguyên Lý, Tiến Thắng, Công Lý (huyện Lý Nhân); Tiên Hải, Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý); Yên Nam (thị xã Duy Tiên); Liêm Thuận, Liêm Túc (huyện Thanh Liêm); Lê Hồ, Thụy Lôi, Liên Sơn (huyện Kim Bảng) bảo đảm đầy đủ theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Các sở, ngành thẩm định đều xác nhận 17 xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2023, do ngành được phân công phụ trách và đều đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2023, tất cả 17 xã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản; tình hình an ninh trật tự ổn định, không phức tạp theo quy định của Bộ Công an.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2024, các xã đã huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới, đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình (hơn 70 km đường giao thông nông thôn, 460 phòng học các cấp, 1 trụ sở ủy ban nhân dân xã, 4 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 11 nhà văn hóa thôn, 3 trạm y tế xã và hệ thống rãnh thoát nước).

Tỉnh đã hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn. Hà Nam từng bước thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đầu tư, nâng cấp các điểm tập kết rác thải sinh hoạt... đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Đối với ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Hà Nam triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn..., góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương...

Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai, năm 2024 có 35 ý tưởng sản phẩm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, dự kiến sẽ công nhận từ 25-30 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, các địa phương cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Chính quyền các địa phương thực hiện hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và các hợp tác xã ít thành viên, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh, sạch, đẹp; phát triển và nâng cao chất lượng toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn.