Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch tại Kon Tum

NDO - Tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, nơi đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với bảy dân tộc thiểu số tại chỗ cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú. Đây chính là tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân dệt thổ cẩm tại làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, thành phố Kon Tum.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm tại làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, thành phố Kon Tum.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn sự mai một văn hóa trước sự tác động của quá trình phát triển, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt, ban hành nhiều Đề án, Chương trình, Kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; bảo tồn và phát huy nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh... được triển khai đồng bộ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch tại Kon Tum ảnh 1

Nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm tại nhà rông Kon K’lor.

Đến nay, nhiều loại hình di sản văn hóa được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, điển hình như: không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum với số lượng bộ cồng chiêng có 2.134 bộ cồng chiêng; 502/622 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành văn hóa đã sưu tầm, phục dựng 16 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; kiểm kê và sưu tầm được nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống; quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Nhiều thôn, làng văn hóa truyền thống được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Bar Gốc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; làng Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông…

Tại các làng này vẫn duy trì những đội cồng chiêng truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần hay các nghi lễ tín ngưỡng. Người dân cũng bắt đầu mạnh dạn và dần làm quen với việc đón khách du lịch đến với thôn, làng của mình tham quan và trải nghiệm.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch tại Kon Tum ảnh 2

Nghệ nhân thành phố Kon Tum trình diễn tạc tượng gỗ truyền thống của dân tộc địa phương.

Trong các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay, làng Kon Ktu thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum là một ngôi làng cổ đặc sắc và đậm nét của dân tộc Bahnar. Làng nằm ở địa thế có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là vùng đất có nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân tộc Ba Na cần được lưu giữ, bảo tồn, phát huy.

Bên cạnh việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: duy trì những đội cồng chiêng-xoang theo lứa tuổi trong làng hoạt động thường xuyên; nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong làng Kon Ktu cũng phát triển mạnh với sự xuất hiện những tổ hợp dệt thổ cẩm trong làng; nghi lễ và tín ngưỡng vẫn được duy trì thường xuyên. Bản thân những người dân trong làng cũng tự hình thành nên ý thức bảo tồn văn hóa gắn với việc làm du lịch cộng đồng cho nên không ngừng đổi mới hoạt động du lịch của làng.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch tại Kon Tum ảnh 3

Dạy cồng chiêng, xoang hàng tuần cho các em học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn, thành phố Kon Tum.

Thích thú với những trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng Kon Ktu, anh Nguyễn Quang Vinh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Mình đã đi du lịch nhiều nơi nhưng những trải nghiệm ở đây, được hòa mình vào thiên nhiên và văn hoá của người địa phương thật khác biệt. Mình đã được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, chiêm ngưỡng điệu múa xoang, tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm, làm nhà rông truyền thống… Được hoà mình với không gian văn hoá nơi đây thật tuyệt vời.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch tại Kon Tum ảnh 4

Hàng năm, các em học sinh trên địa bàn thành phố Kon Tum được tham gia hội diễn cồng chiêng, xoang để giữ gìn và phát huy truyền thống.

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình cho biết: Du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Sắp tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là thế hệ trẻ để người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng văn hóa bản sắc của từng dân tộc, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các nguồn lực của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.