Đến với Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca và hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi có gần 300 nghệ nhân, diễn viên các huyện miền núi Minh Long, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng và Ba Tơ.
Các nghệ nhân, diễn viên trình diễn 23 tiết mục dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, hòa tấu nhạc cụ, trò chơi dân gian truyền thống. Độc tấu “Tự tình với cây đàn Krâu”, hòa tấu cồng chiêng “Ngày hội vui mừng lúa mới”, và các tiết mục như “Mời bạn về làng”, “Cúng xóm”, “Vui trên nương rẫy”… mang lại nhiều cung bậc cảm xúc rộn ràng lẫn sâu lắng.
Cuộc sống của làng bản, nét tươi vui, lắng đọng của từng vùng miền thể hiện qua làn điệu ca chôi, xà ru theo tiếng đàn vroac, krâu, kloong vút, âm vang cồng chiêng độc đáo của các nghệ nhân.
Hơn 75 tuổi, nghệ nhân Đinh Ba Rum ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà có thâm niên nhiều năm dự ngày hội văn hóa, liên hoan đàn hát dân ca các tỉnh, thành phố trong nước.
Niềm vui của ông là đưa đàn Krâu cùng độc tấu của mình đến với thật nhiều người, nhiều nơi để giới thiệu quê hương vùng cao của mình. Ngày hội cồng chiêng, đàn hát dân ca lần này, độc tấu “Tự tình với cây đàn Krâu” của nghệ nhân Đinh Ba Rum vang lên giữa trời đêm núi rừng.
Thanh âm trong trẻo của đàn Krâu gắn bó với ông gần cả cuộc đời. “Mình mong chờ ngày hội để được gặp nhiều người biểu diễn đàn ở các vùng núi khác. Đàn Krâu của làng bản mình diễn cho bà con xem để nhiều người biết chứ”, nghệ nhân Đinh Ba Rum cười.
Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Cadong với 159 loại nghệ thuật trình diễn dân gian, 131 lễ hội truyền thống dân tộc Cor, Hrê, Cadong.
Đồng bào dân tộc vùng cao đã sáng tạo ra những làn điệu dân nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian giàu bản sắc được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Người Hrê tự hào với của làn điệu ta lêu, ca chôi, ra đối… ngân vang cùng đàn vroac, krâu, ra đoong, vinh vut, sáo ta lía, ta vổ, kèn ra ngói. Người Cor mang sắc thái riêng từ làn điệu xà ru, a giới, a lát... cùng đàn vrook, khèn ra ngoái, a máp, sáo ta lía. Người Cadong tự hào với các làn điệu ca lêu, ra nghế, dê ô dê và đàn kloong vút, vrook, vrook tru, krâu.
Trò chơi dân gian, hội cồng chiêng, dân ca phong phú, độc đáo được tổ chức cùng lễ hội ăn trâu, tết ngã rạ… mang đậm bản sắc tộc người.
Trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một; sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian trong cộng đồng ngày càng thưa thớt, thậm chí ở một số nơi bị lãng quên.
Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi là hoạt động văn hóa lớn được tổ chức 2 năm 1 lần. Đây là nơi gặp gỡ của các nghệ nhân, diễn viên trẻ cùng gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc miền núi cao.
Nghệ nhân Phạm Thị Đế ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ ngân vang làn điệu ta lêu, ca chôi qua bài “Chào bà con Minh Long”. Biết hát từ thời trẻ, đến nay bà tham gia rất nhiều cuộc thi, hội diễn dân ca dân tộc thiểu số. Càng đi nhiều nơi, bà càng muốn đưa làn điệu ta lêu, ca chôi của người Hrê đến với bà con vùng núi khác để biết về vùng núi Ba Tơ.
“Biết hát từ nhỏ rồi, đi thi đi diễn đạt nhiều giải. Hết thi thì về làng dạy cho trẻ ở làng mình”, Nghệ nhân Phạm Thị Đế kể.
“Thế hệ các nghệ nhân, diễn viên đang nắm giữ giá trị nghệ thuật quan trọng đã bước vào tuổi xế chiều, chưa kịp truyền lại sự đam mê, nhiệt huyết cho thế hệ nối tiếp. Ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng, đàn, hát dân ca giúp các thế hệ trẻ trân trọng, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của chính dân tộc mình”, ông Nguyễn Liên Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.