Nhận thức rõ thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực văn hóa, những năm qua các cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội, nổi bật thời gian qua là mô hình trải nghiệm các nghề truyền thống kết hợp với du lịch cộng đồng thu hút đông khách du lịch.
Như tại làng du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), du khách được trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân tộc Gia Rai là cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan mây tre,... Cách làm này được du khách đánh giá cao, nhờ đó trung bình mỗi năm làng thu hút được từ 2.000-3.000 khách đến tham quan. Từ đây, góp phần tạo sinh kế cho người dân, đồng thời tạo động lực giúp nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục được kế thừa, bảo tồn, phát huy.
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm ở làng văn hóa du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông. (Ảnh THI PHONG) |
Đáng chú ý trong công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai ở cả hai lĩnh vực: di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn, phát huy giá trị tập trung ở hai dân tộc Ba Na và Gia Rai (hiện đang chiếm khoảng trên 40% dân số toàn tỉnh).
Ngành chức năng chủ động tổ chức rà soát kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; huy động nghệ nhân tham gia các hoạt động về di sản văn hóa trong và ngoài tỉnh; tổ chức phục dựng một số nghi lễ truyền thống có nguy cơ mai một; lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; khôi phục không gian văn hóa truyền thống…
Nghề thủ công đan mây tre được bảo tồn và duy trì tại Gia Lai. (Ảnh THI PHONG) |
Xác định các nghệ nhân là người góp phần lưu giữ văn hóa của dân tộc, thời gian qua địa phương đã quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận. Nhờ đó, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể đã được tổ chức: Năm 2023, đã tổ chức được 2 lớp tập huấn về chỉnh chiêng dành cho người Ba Na và Gia Rai trên địa bàn tỉnh, năm 2024 mục tiêu là tổ chức 3 lớp tương tự.
Một điểm nhấn văn hóa của tỉnh là Festival Văn hóa cồng chiêng đã được tổ chức thành công các năm 2009, 2018, 2023. Sự kiện không chỉ được người dân địa phương nhiệt tình hưởng ứng mà còn góp phần kích cầu cho du lịch của tỉnh. Đồng thời, địa phương cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa từ cấp cấp tỉnh đến cơ sở như: Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai, ngày hội/hội thi văn hóa các dân tộc cấp huyện, xã... qua đó góp thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa văn hóa phi vật thể được triển khai sâu rộng xuống cấp cơ sở.
Trong hơn 2 năm qua, từ nguồn kinh phí của Dự án 6 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã triển khai các hoạt động nổi bật đó là tổ chức chương trình Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm vào tối thứ bảy hằng tuần và ngày lễ (từ ngày 30/4/2022 đến hết năm 2022, hoạt động bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, từ năm 2023, kinh phí được hỗ trợ từ nguồn Dự án 6).
Song song đó, tỉnh xây dựng thành công mô hình và duy trì chương trình trình diễn Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển vào buổi sáng các ngày Chủ nhật, duy trì đều đặn từ ngày 12/8/2023 đến nay.
Du khách thích thú với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Gia Rai. (Ảnh THI PHONG) |
Tại nhiều làng của đồng bào dân tộc thiểu số duy trì được việc sinh hoạt văn hóa dân gian, lưu giữ và thực hành nghề thủ công truyền thống. Các nghi lễ/lễ hội được tổ chức nghiên cứu, phục dựng ngay tại địa phương phục vụ việc công tác ghi chép, quay phim, chụp ảnh làm tư liệu lưu trữ, cũng đồng thời là dịp để cộng đồng được thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Địa phương còn quan tâm tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia các hoạt động di sản văn hoá ngoài tỉnh, cũng như ở nước ngoài qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa Gia Lai đến các dân tộc khác ở Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tổ chức kiểm kê được hơn 1.000 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa; có 3 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (toàn tỉnh), Sử thi của người Ba Na (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Đã có 32 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước vinh danh qua 3 đợt tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số được các ngành chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả như: Đài PTTH tỉnh Gia Lai có chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng Ba Na và Gia Rai được phát sóng hằng ngày.
Tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, tiếng Ba Na và Gia Rai được dạy cùng với tiếng phổ thông. Cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được tham gia các lớp học tiếng Ba Na, Gia Rai, vừa giúp cho việc giao tiếp, làm việc với người dân thuận lợi, vừa tạo động lực để bà con giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu được triển khai, tỉnh Gia Lai đã xuất bản một số đầu sách như: các từ điển Gia Rai - Việt, Việt - Gia Rai; Việt - Ba Na; dân ca Ba Na, dân ca Gia Rai, câu đố Ba Na, câu đố Gia Rai, truyện thơ, đặc biệt là các sử thi Ba Na được sưu tầm và xuất bản song ngữ Ba Na - Việt. Kinh phí cho các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản này từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của một số cá nhân.
Nhờ sự truyền dạy của các nghệ nhân, nhiều em nhỏ đã có thể tham gia đánh cồng chiêng, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. (Ảnh THI PHONG) |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp các địa phương lựa chọn, thành lập câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian. Đến nay, đã thành lập mới và hỗ trợ hoạt động cho 2 câu lạc bộ (tại hai huyện là Kbang và Ayun Pa).
Qua thực tiễn triển khai, các hoạt động này trong đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhờ đó góp phần nâng cao ý thức trong cộng đồng đối với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là giới trẻ thêm tự hào và biết trân trọng hơn với những giá trị văn hóa của dân tộc mình.