Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Gia Lai… cùng 250 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn gần 750.000 người dân tộc thiểu số thuộc 44 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham dự Đại hội.
Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Gia Lai đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ IV có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian vừa qua vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, trọng tâm là kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ IV-năm 2024; tôn vinh và biểu dương những công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đoàn Chủ tịch Đại hội. |
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội khẳng định: Trong 5 năm qua, tình hình vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị vùng dân tộc được tăng cường; khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo, quản lý chung của các cấp tại địa phương.
Các đại biểu tham dự Đại hội. |
Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 3, giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 60 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm trên 4%; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay 99,44% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 99,92% thôn, làng có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; đã hình thành và phát triển các vùng trồng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Các đại biểu tham dự Đại hội. |
Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị được chú trọng. Số lượng đảng viên dân tộc thiểu số hằng năm đều tăng, việc quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được nâng lên. Cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể và tổ chức chính trị trong vùng đồng bào dân tộc được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác củng cố khối đại đoàn kết dân tộc được các ngành, các cấp thường xuyên chỉ đạo, tạo sự gắn kết giữa các dân tộc trong tỉnh. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo đổi mới của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước ngày càng được nâng lên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo Đại hội. |
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến ghi nhận và chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời qua. Đồng chí nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Các nghị quyết Đại hội Đảng luôn xác định: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước ta vào kỷ nguyên mới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Đối với tỉnh Gia Lai, bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm chưa được khắc phục kịp thời. Đó là, tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nguồn lực đáng kể đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng kết quả thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi nhiều nơi các dự án đầu tư chưa mang lại hiệu quả kinh tế xã hội như mong muốn. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng chuyển biến còn chậm so với sự phát triển của cả nước và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng giãn cách; kỹ năng lao động của người dân tộc thiểu số còn thấp, khiến cho cơ hội việc làm bị hạn chế và chậm được cải thiện....
Tặng Bằng khen của Ủy ban Dân tộc cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Đồng chí Đỗ Văn Chiến gợi mở một số nội dung nhiệm vụ để cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể lực lượng vũ trang, cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện. Trong đó cần chú trọng nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình hiện nay; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến cơ sở, nâng cao ý thức cách mạng, không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu hòng xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, làm sa sút niềm tin của Nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; tháo gỡ khó khăn, ách tắc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngay sau đại hội, tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện thật tốt phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025; lan tỏa tinh thần đoàn kết lên tầm cao mới, kết nối tinh thần đoàn kết cùng cả nước, đồng lòng xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.