Xuồng bơi qua một con rạch nhỏ, "hướng dẫn viên" thứ thiệt thường đi cùng khách du lịch là ông Nguyễn Văn Đúng, 67 tuổi, quê huyện Cao Lãnh. Năm 1972, ông tham gia hoạt động cách mạng, công tác trong Đoàn Văn công Đồng Tháp. Khi đất nước thống nhất, vì yêu thiên nhiên và truyền thống lịch sử địa phương, ông Đúng thường xuyên lui đến Xẻo Quít; năm 2001 ông xin vào làm nhân viên bơi xuồng phục vụ khách tham quan.
Ông thường kể cho mọi người nghe về Xẻo Quít, một tên gọi bình dị ở vùng đất Nam Bộ nhưng lại là vùng căn cứ; nơi đây, một ruộng tràm ngày xưa lọt thỏm giữa vòng vây của hàng chục đồn bốt giặc.
Sau chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung năm 1959, vào năm 1960, Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) quyết định chọn Xẻo Quít (nay thuộc hai xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) để xây dựng căn cứ. Nơi đây xưa là vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại.
Việc ăn ở, hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy chủ yếu dựa vào sự đùm bọc, che chở của người dân trong vùng. Mọi người cùng đào mương, lên liếp ngăn xe tăng giặc, xây dựng công sự và trồng cây gây rừng, cải tạo địa hình để trú ẩn và hoạt động. Vốn sát nách địch, Xẻo Quít nằm trong tầm hỏa lực của nhiều đồn bốt và trở thành mục tiêu bắn phá bất kể ngày đêm của chúng.
Những công sự ở Xẻo Quít dùng để tránh bom pháo và hầu hết phải làm ban đêm vì ban ngày thường xuyên có máy bay trinh sát của địch theo dõi dòm ngó. Những năm 1960, địch ra sức truy lùng ta với mưu đồ "tát nước bắt cá". Còn chủ trương nhất quán của Tỉnh ủy Kiến Phong là "bám đất, bám dân, một tấc không đi, một li không dời" và giữ vững mối liên hệ với dân.
Trong thế giằng co chung giữa ta và địch, Xẻo Quít trở thành tử địa của đế quốc Mỹ, ngụy. Trong suốt cuộc chiến tranh, Xẻo Quít là "trường bắn", là "bãi đỗ trực thăng" của địch, là nơi máy bay B52, xe lội nước M113, thuyền bay, pháo binh kết hợp với bộ binh địch liên tục dội bom, càn quét, bắn phá vào vùng căn cứ, hòng tiêu diệt mọi sự sống trên mảnh đất này. Mỗi bông mướp vàng hay một tiếng gà gáy, nếu để chúng phát hiện thì phải "đón nhận" hàng chục tấn bom pháo dội vào.
Do đó, cơ quan Tỉnh ủy phải đối mặt giữa sự sống và cái chết trong gang tấc. Nhưng nhờ tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khổ và sự đùm bọc che chở của nhân dân, cơ quan Tỉnh ủy vẫn giữ được bí mật, hoạt động và tồn tại đến ngày toàn thắng. Với những dấu ấn lịch sử quan trọng, năm 1992, Khu căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Kiến Phong năm xưa, nay là Khu di tích Xẻo Quít đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.
Ngày nay, Khu di tích Xẻo Quít được xác định là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi "Bảo tồn lịch sử, gìn giữ hồn quê". Hiện Xẻo Quít có hơn 62 ha, trong đó khoảng một nửa diện tích là rừng tràm; mỗi năm thu hút hơn 100 nghìn lượt khách.
Nơi đây đang trở thành địa chỉ hấp dẫn để khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong rừng tràm (bằng phương tiện xuồng ba lá hoặc đi bộ); xem trình diễn đan lục bình và trải nghiệm; chụp ảnh bộ sưu tập hoa súng, hồ sen; trải nghiệm trò chơi dân gian và mua sắm đặc sản, sản phẩm du lịch...
Tuổi trẻ tìm về Xẻo Quít là hành hương về với mảnh đất giàu truyền thống của cha ông. Khu "Căn cứ lòng dân" chính là nơi học tập, nghiên cứu, trải nghiệm cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Xẻo Quít cũng từng là "phim trường" của nhiều bộ phim như: Những nẻo đường phù sa, Bình minh châu thổ, Đất phương nam…
Giám đốc Khu di tích Xẻo Quít Trần Chí Cường cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng cho Dự án hạ tầng Khu du lịch Xẻo Quít (giai đoạn 2), tu bổ nhiều hạng mục quan trọng, bao gồm: bổ sung 2 nhà di tích mới (lò rèn và nhà trinh sát kỹ thuật); tu bổ và chống thấm các công sự, hầm bí mật; bổ sung 2 hầm bí mật cá trê; phục dựng các tượng nhân chứng lịch sử bằng chất liệu composite, đổi mới trưng bày hiện vật, trang bị sinh động tại các nhà di tích; ứng dụng công nghệ số quét mã QR để thuyết minh tự động; xây dựng đài quan sát cao hơn 17m...