Hàng trăm nghìn chậu cúc mâm xôi chậm ra hoa
Mấy ngày nay, gia đình ông Phạm Thanh Tùng, ngụ ấp Lân Tây (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) phải thuê nhân công nhổ bỏ 4.000 giỏ cúc mâm xôi vì chậm ra hoa. Gia đình ông Tùng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho vụ cúc mâm xôi năm nay coi như mất trắng.
Ông Tùng cho biết: “Gia đình tôi mấy anh em trong gia đình bị thiệt hại do cúc mâm xôi không đẻ nhánh, ra búp. Trong khi đó, cúc mâm xôi phải ra hoa đúng dịp Tết mới bán được nên đành phải nhổ bỏ để trồng hoa vạn thọ ngắn ngày để mong lấy lại vốn đã đầu tư”.
Gia đình ông Đinh Văn Hiếu (ngụ xã Long Thới) xử lý theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp khi cúc mâm xôi chậm ra hoa. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Tại địa bàn xã Long Thới sản xuất khoảng một triệu giỏ cúc mâm xôi thì có 149 nghìn giỏ bị chậm ra hoa. Hầu hết những hộ dân đều sử dụng giống của ông Huỳnh Văn Anh cung ứng cho người thân trong gia đình và những hộ dân chung quanh.
Ông Huỳnh Văn Anh cho biết: “Năm rồi tôi thấy người quen có giống hoa cúc nở rất đẹp nên lấy 100 cây con về nhân giống. Từ số cây giống ban đầu này, tôi nhân giống ra để cung ứng cho người thân trong gia đình và người dân tại địa phương với hơn 100 nghìn cây giống. Tôi rất áy náy và chân thành xin lỗi bà con vì cây giống không đạt. Bản thân tôi cũng trồng khoảng 7.000 giỏ cúc mâm xôi cũng chậm ra hoa”.
Qua thống kê, có 70 hộ dân với khoảng 149 nghìn giỏ cúc mâm xôi chậm ra hoa. Sau khi sự việc xảy ra, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, tìm ra nguyên nhân và xác định người dân sử dụng giống không xác định nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Cơ quan chức năng cũng tổ chức hội thảo với các hộ dân để nhà khoa học đưa ra giải pháp xử lý đẩy nhanh tiến trình ra hoa. Hiện tại, người dân đang thực hiện theo hướng dẫn của nhà khoa học, một số hộ chấp nhận nhổ bỏ để tiếp tục trồng hoa ngắn ngày cung ứng thị trường Tết.Lê Thanh Khoảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Thới
Gia đình ông Đinh Văn Hiếu, ngụ ấp An Hòa (xã Long Thới) có 4.500 giỏ cúc mâm xôi chậm ra hoa. Tiếc số tiền bỏ ra, ông Hiếu đang xử lý thuốc kích thích phân nhánh, tạo búp nhằm rút ngắn thời gian ra hoa cho kịp Tết.
Ông Hiếu cho biết: “Đây là giống mới của đứa con rể cung cấp lúc đầu phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, đến thời gian phân nhánh, tạo búp thì chậm so với các giống cúc mâm xôi khác. Khi sự việc xảy ra, tôi cố gắng xử lý thuốc, chăm sóc theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp mong kịp ra hoa để bán ở thị trường gần”.
Người dân phải nhổ bỏ cúc mâm xôi chậm ra hoa. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Theo những người trồng hoa cúc mâm xôi tại làng nghề truyền thống trồng hoa bán Tết của huyện Chợ Lách, thông thường giống cúc mâm xôi trồng 6 tháng sẽ cho ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Một số hộ dân trồng sớm hơn khoảng 1 tháng sẽ vận chuyển ra các tỉnh phía bắc để tiêu thụ. Hoa ra đúng dịp Tết sẽ tiêu thụ trong tỉnh và các địa phương lân cận. Nếu hoa ra trễ khoảng 1 tháng thì bán không ai mua nên buộc phải nhổ bỏ để trồng cây khác. Trong khi đó, chi phí để trồng hoa cúc mâm xôi khá lớn nên nhiều hộ dân bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do cúc mâm xôi ra hoa trễ.
Ngành nông nghiệp khảo sát thực tế cúc mâm xôi chậm ra hoa tại xã Long Thới. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Thới Lê Thanh Khoảng cho biết: “Qua thống kê có 70 hộ dân với khoảng 149 nghìn giỏ cúc mâm xôi chậm ra hoa. Sau khi sự việc xảy ra, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, tìm ra nguyên nhân và xác định người dân sử dụng giống không xác định nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Cơ quan chức năng cũng tổ chức hội thảo với các hộ dân để nhà khoa học đưa ra giải pháp xử lý đẩy nhanh tiến trình ra hoa. Hiện tại, người dân đang thực hiện theo hướng dẫn của nhà khoa học, một số hộ chấp nhận nhổ bỏ để tiếp tục trồng hoa ngắn ngày cung ứng thị trường Tết”.
Khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng
Nghề truyền thống trồng hoa cúc mâm xôi bán Tết tại huyện Chợ Lách có từ lâu đời, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 3 đến 4 triệu giỏ. Gần đây một số hộ dân quan tâm đến chất lượng giống nên chọn giống nuôi cấy mô để bảo đảm chất lượng, ít sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Lân Tây (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) chuyển qua trồng giống nuôi cấy mô khoảng 4 năm nay. Vụ hoa Tết này gia đình ông đang trồng 1.500 giỏ cúc mâm xôi đang phát triển tốt.
Sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Ông Sơn cho biết: “Lâu nay người dân thường sử dụng giống cúc truyền thống và tự nhân giống để sử dụng cho vụ sau. Khi đó, giống sẽ dễ bị thoái hóa, sâu bệnh. Mấy năm nay, gia đình tôi sử dụng giống nuôi cấy mô được mua từ tỉnh Tiền Giang đã giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, gia đình tôi đều thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng từ bán cúc mâm xôi trong dịp Tết”.
Thời gian gần đây, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre đã tập trung ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để cho sản phẩm hoa kiểng giống chất lượng phục vụ bà con sản xuất. Hiện tại, trung tâm đang sản xuất các loại giống như: kiểng lá, phú quý, dạ yến thảo, hoa chuông, hoa hồng, các loại lan, cúc mâm xôi, chuối, cây dược liệu, cây giống…
Lâu nay người dân thường sử dụng giống cúc truyền thống và tự nhân giống để sử dụng cho vụ sau. Khi đó, giống sẽ dễ bị thoái hóa, sâu bệnh. Mấy năm nay, gia đình tôi sử dụng giống nuôi cấy mô được mua từ tỉnh Tiền Giang đã giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, gia đình tôi đều thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng từ bán cúc mâm xôi trong dịp Tết.
Nguyễn Văn Sơn, ấp Lân Tây, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách
Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn sử dụng giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô đạt hiệu quả cao. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre Bùi Trường Thọ cho biết: “Thời gian gần đây, giống cúc mâm xôi thường được người dân nhân giống theo kiểu truyền thống là giâm cành nên dễ bị nhiễm khuẩn, sâu bệnh. Năm rồi, Trung tâm sản xuất thử nghiệm giống cúc mâm xôi nuôi cấy mô với số lượng 2 nghìn cây con sạch bệnh. Người dân sử dụng giống cúc mâm xôi cấy mô đạt hiệu quả cao, cây sạch bệnh nên ít tốn chi phí, tỷ lệ ra nụ đạt 100% và trổ hoa đúng dịp Tết. Năm nay, Trung tâm sản xuất số lượng tăng lên 10 nghìn cây chủ yếu cung ứng cho các hợp tác xã, người dân đặt hàng trước với giá khoảng 2.500 đồng/cây (tùy số lượng). Trong thời gian tới, Trung tâm Giống và Hoa kiểng sẽ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong nhân giống nhằm đáp ứng nhu cầu giống chất lượng cho người dân”.
Cúc mâm xôi sử dụng giống nuôi cấy mô sạch bệnh được trồng tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho rằng: Hiện số cúc chậm phân cành và chậm phân hóa mầm hoa, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đến tận vườn xem xét và đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân. Đối với những bà con bị thiệt hại trong mùa hoa năm nay, ngành nông nghiệp chỉ đạo Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre sẽ có những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, sẽ hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, về cách chọn giống, cách bảo quản giống… để bà con sản xuất an toàn, đồng thời sẽ sẽ tăng cường giải pháp quản lý về chất lượng nguồn giống, nhất là đối với các giống hoa sản xuất phục vụ thị trường Tết.