Đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống tập trung tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang).
Đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống tập trung tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang).

Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Trong giai đoạn 2019-2024, thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, vào cuộc quyết liệt, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua đó, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường ngày càng vững mạnh, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, cùng đồng thuận với các chủ trương của thành phố.

Các chính sách, chương trình thực hiện kịp thời và thiết thực

Đà Nẵng có 31 thành phần dân tộc thiểu số đang sinh sống với khoảng 5.880 người. Trong đó, dân tộc Hoa chiếm 46,8% (2.753 người), dân tộc Cơ Tu chiếm 27% (1.581 người), 29 dân tộc thiểu số khác chiếm 26,2% (1.546 người).

Với bản sắc văn hóa riêng, các dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên tính đa dạng phong phú sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1 Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Người Cơ Tu còn giữ gìn những văn hóa truyền thống đặc sắc.

Giai đoạn 2019-2024, Đà Nẵng bố trí nguồn lực thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn vốn xây dựng cơ bản là 6.502 tỷ đồng; phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện 379 tỷ đồng.

Đến nay, các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có điện lưới quốc gia; hệ thống giao thông được bê-tông hóa đến kiệt, hẻm; hệ thống trường học, các chợ được đầu tư theo cụm dân cư hoặc tại thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, địa phương đã duy trì tổ chức Liên hoan văn hóa, thể thao và phục dựng hai lễ hội truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Hỗ trợ đồng bào Cơ Tu học tập về dệt thổ cẩm, khôi phục nghề đan lát, điêu khắc tượng gỗ.

Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3

Thổ cẩm Cơ Tu được "hồi sinh".

Giai đoạn 2019-2023, kinh phí ngân sách thành phố cấp hỗ trợ các chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số thuộc hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú tổng số tiền 10,6 tỷ đồng, trong 7 tháng đầu năm 2024 là 1,3 tỷ đồng.

Học sinh được hỗ trợ 100% học phí đã giúp các em có điều kiện được đến trường học tập, vui chơi và chăm sóc giáo dục. Ngoài ra, các em được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với mã đối tượng gia đình (GD4); học sinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn của thành phố được hỗ trợ chi phí học tập 150 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.

Đời sống hộ đồng bào dân tộc thiểu số được ổn định, hơn 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2019-2021 thoát nghèo; hơn 70 hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 đã thoát nghèo.

Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4

Người Cơ Tu tham gia làm du lịch cộng đồng.

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) chia sẻ: Các cơ chế, chính sách của thành phố dành cho dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung, cho người Cơ Tu nói riêng được triển khai giúp cho đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc. Nhiều văn hóa truyền thống của người Cơ Tu đã được khôi phục. Thời gian tới, tôi mong muốn các cấp quan tâm hơn nữa để đời sống bà con được tốt hơn, dần theo kịp với mức sống ở đồng bằng”.

Đẩy mạnh công tác dân tộc trong tình hình mới

Giai đoạn tới (2024-2029), thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Cụ thể như: Thu nhập bình quân đầu người dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2029 đạt 65 triệu/người/năm.

Phấn đấu giảm 100% số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2025 (Theo mục tiêu của Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 29/3/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng).

Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 5 Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 6
Nhiều dự án giao thông được đầu tư như tuyến đường ĐT 601 giúp kết nối với xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

100% các tuyến đường kiệt, xóm được bê-tông hóa; 100% hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện được tiếp cận vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, sản xuất, cải thiện nhà ở…

Tỷ lệ lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua đào tạo đạt trên 70%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30%. 100% học sinh người dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi học mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở; đạt trên 80% học trung học phổ thông. 100% người dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi biết nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp.

Đà Nẵng từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 7

Trưng bày sản phẩm đặc trưng của người Cơ Tu và người Hoa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới gắn với Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 và các chủ trương, chính sách của thành phố liên quan đến công tác dân tộc.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tôn trọng và phát huy văn hóa, truyền thống riêng có của mỗi dân tộc; vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở.

Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tại khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số...

back to top