Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhờ chuyển đổi sang canh tác lúa hữu cơ, nhiều bà con ở Vĩnh Linh, Quảng Trị đã thấy công việc nông nhàn bớt đi phần nào nhọc nhằn, lúa lên xanh tốt, cho hạt gạo thơm và mang lại giá trị kinh tế cao. Qua quá trình canh tác, sản xuất cho thấy, mô hình còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Nguyệt bên ruộng lúa hữu cơ của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt bên ruộng lúa hữu cơ của gia đình.

Đổi đời nhờ cây lúa hữu cơ

Thực hiện đơn đặt hàng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, từ năm 2021, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đã triển khai dự án liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ trên diện rộng tại 5 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Vùng trồng ở Tiên Mỹ hiện có diện tích canh tác lớn nhất trong 5 vùng trồng thuộc dự án liên kết sản xuất và bao tiêu lúa hữu cơ của Sepon.

Đơn vị đã thuê chuyên gia về khảo sát, phân tích chất đất ở vùng ruộng của một số huyện cũng như các huyện nhằm tìm ra diện tích đất phù hợp. Làm lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài với các thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu nghiêm ngặt đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 1

Ruộng lúa hữu cơ ở làng Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Toàn bộ vùng đất này đều xa nguồn ô nhiễm, test 405 chỉ tiêu về hóa chất bảo vệ thực vật và 6 chỉ tiêu về kim loại nặng đạt yêu cầu. Vùng nước khu vực này đều sạch, test đạt 35 chỉ tiêu của chất lượng nước mặt. Giống S25 có 2 lần đạt danh hiệu ngon nhất thế giới do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và phát triển được Sepon lựa chọn làm giống cho vùng trồng hữu cơ.

Những vùng trồng này được kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm 3 năm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 100% người dân phải tập huấn bởi cơ quan chuyên môn và cán bộ kỹ thuật đều phải có sổ tay ghi chép nhật ký chăm lúa cho tới khi thu hoạch.

Cũng như bà con ở làng Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, ba năm qua, bà Nguyễn Thị Nguyệt mới thấy việc làm nông, bám trụ ruộng đồng chưa bao giờ nhàn rỗi như thế. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng đang vụ lên đòng, bà Nguyệt chia sẻ, trước đây, ngày nào ông bà cũng phải ra đồng, chăm lúa, nhổ cỏ, phun thuốc trừ sâu… Cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng cỏ thì vẫn lên bời bời. Khổ nhất mỗi lần phun thuốc trừ sâu, ngấm vào cơ thể. Biết là sẽ bệnh nhưng không phun thì sâu sẽ ăn hết lúa.

Gia đình bà Nguyệt là một trong những hộ gia đình đầu tiên tham gia vào trồng lúa hữu cơ Sepon. Năm 2021, sau khi được giới thiệu về lúa hữu cơ, gia đình bà không ngần ngại chuyển đổi ngay 17 sào ruộng sang canh tác giống lúa mới, công nghệ mới.

Ngay trong vụ đầu tiên, gia đình bà thu được 2,6 tạ lúa và đến vụ đông xuân 2023 vừa rồi, bà thu hoạch được 3,7 tạ. Diện tích vẫn thế, nhưng năng suất cao hơn, niềm vui của người nông dân cứ thế mà nhân lên. Trồng lúa cũ, cho thu hoạch 1 triệu đồng/sào, thì nay lên 1,5 triệu đồng/sào.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 2

Gia đình bà Nguyệt đổi đời nhờ trồng lúa hữu cơ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Tiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho biết, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiên Mỹ cũng là một trong những đơn vị cũng tham gia vào sản xuất lúa hữu cơ ST25 cho biết, trồng lúa này, người dân được cung cấp dịch vụ trọn gói đầu vào sản xuất bao gồm phân hữu cơ, mạ khay, dịch vụ cấy, các chế phẩm sinh học và drone phun chế phẩm và các dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng ruộng. Cuối vụ, công ty thu mua giá lúa tươi 13.000 đồng/1kg.

Đứng bên ruộng lúa vừa thu hoạch vụ hè-thu, ông Hồ Văn Chung, Hợp tác xã Tiên Mỹ, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Năm nay, tôi cấy được 1,5 mẫu ruộng. Ruộng của tôi nói không với phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón vi sinh, bảo vệ môi trường và mang gạo sạch đến cho người tiêu dùng. Từ ngày trồng lúa hữu cơ Sepon, chúng tôi đỡ vất vả hẳn, thu nhập cao hơn. Bình quân một sào ruộng cho được 3 tạ thóc. Trừ các loại chi phí, mỗi sào lãi tầm 2 triệu đồng, một ha là được 40 triệu đồng”.

Đưa công nghệ vào trồng lúa

Sự khác biệt về khoa học công nghệ của quy trình trồng lúa hữu cơ chính là sử dụng máy cấy, máy gieo hạt; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc. Hệ thống sấy, xay xát, bảo quản hiện đại, công nghệ cao.

Việc kết hợp của doanh nghiệp và người dân trong trồng lúa hữu cơ đã giúp tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Theo đó, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm; người nông dân sản xuất trên đất của mình. Nhờ đó, người nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật và hạ tầng giao thông thuận tiện cho việc gieo trồng, chăm sóc bảo đảm theo đúng yêu cầu đặt ra.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 3

Lúa hữu cơ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Dự án phát triển lúa hữu cơ, VietGAP giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Quảng Trị giao do Sepon Group làm chủ đầu tư để hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua hợp tác với các hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân trồng lúa. Dự án nhằm xây dựng mô hình liên kết giữa 5 nhà gồm: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng.

Theo anh Phùng Anh Chính,cán bộ kỹ thuật Công ty Sepon, trồng lúa theo công nghệ của Sepon với bà con nông dân rất nhiều thuận lợi. Công ty cung cấp giống gạo ngon ST25, hỗ trợ bà con từ lúc gieo mạ, cấy đến lúc thu hoạch, bao tiêu sản phẩm.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 4

Các kỹ thuật viên chuẩn bị hỗn hợp trứng sữa phun cho lúa.

Cấy xong, bà con cùng cán bộ kỹ thuật chỉ kiểm tra xem đạt tỷ lệ cấy hay chưa. Nếu cấy còn thưa, bà con cùng cán bộ kỹ thuật đi dặm lại. Trong toàn bộ thời gian lúa được cấy đến khi thu hoạch, cán bộ kỹ thuật sẽ giám sát kỹ từng giai đoạn. Trong 11 quy trình trồng lúa hữu cơ, người dân chỉ thực hiện 5 khâu, còn lại do cán bộ kỹ thuật thực hiện.

Trong nhiều công đoạn rất đặc biệt để làm nên hạt lúa hữu cơ, kỹ thuật đặc biệt ấn tượng đang được nhiều địa phương học tập chính là phun sữa trứng cho lúa.

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group), hỗn hợp được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi được xem là chế phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là axit amin, cung cấp dưỡng chất cho cây lúa. Lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng, giúp hạt chắc mẩy. Ngoài ra những vật chất còn lại từ hỗn hợp trứng và sữa dính trên lá thì trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh phát triển. Khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 5

Máy bay phun hỗn hợp trứng sữa lần 2 để phôi lúa lớn dần, hỗn hợp thẩm thấu trực tiếp vào hạt lúa.

Hỗn hợp này được phun 2 lần. Lần đầu tiên khi lúa vừa 45 ngày tuổi, chuẩn bị trổ đòng. Tuy nhiên, khi lúa được trồng dầy, sẽ có nhiều cây trồng sau, lúa lên không đều. Nhánh cái lên trước, trổ trước; nhánh con lên sau sẽ chậm hơn 10-15 ngày, không thể chín đều cùng lúc. Việc phun lần 2 sẽ giúp phôi lúa lớn dần, hỗn hợp thẩm thấu trực tiếp vào hạt lúa.

Để đất được tươi tốt, sản phẩm phải sử dụng phân bón hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên, chủ yếu lấy từ gia trại. Công ty đầu tư sản xuất phân hữu cơ từ vi sinh vật bản địa để nâng cao hiệu suất phân bón. Sepon thử nghiệm, đưa phân gà vào bón ruộng thì thấy tỷ lệ chuột phá ruộng giảm hẳn. Để có nguồn phân đạm tốt, công ty dùng cá rô phi với tỷ lệ 2-3kg ủ với một cân đường vàng làm đạm. Sản xuất canxi, kali bằng cách nhặt xương heo, bò, vỏ trứng thiêu kết ngâm giấm. Nguồn khoáng cho đất được sản xuất từ thân cây chuối ướp đường vàng, thay đạm natri, phốt pho.

“Thông thường, một héc-ta lúa phải dùng 4 tấn phân hữu cơ nhưng với cách dùng vi sinh vật bản địa ở trên, 1ha lúa chỉ cần dùng 2 tấn, giảm 50%, chi phí giảm cho bà con 10 triệu”, ông Hiếu cho hay.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 6

Cánh đồng lúa cho thu hoạch tốt sau mùa vụ, mang lại lợi nhuận kinh tế cho người dân địa phương.

Công ty cũng sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, bằng những nguyên liệu dân gian như ớt tỏi, gừng, thuốc lá giã nhỏ, ngâm với bia. Đơn vị cũng đã có sáng kiến sử dụng nước để diệt cỏ, thay vì phải dùng thuốc dioxin dạng nhẹ phun 3-4 tuần/lần. Trong 45 ngày đầu giúp lúa phát triển tốt, các kỹ thuật viên để lúa ngậm nước, đây là cách vừa diệt cỏ, vừa tốt cho lúa. Sau đó, rút hết nước ở ruộng để cho khô vết chân chim, oxy lúc này có kẽ hở chui vào đất, đợi 4 ngày sau, lại bơm nước về ruộng.

Nhờ sáng kiến này, bà con nông dân không tiếp xúc hóa chất độc hại, cho hạt lúa chắc, mẩy, dinh dưỡng. Cách bón phân hữu cơ tạo hệ sinh vật tự nhiên nên đất trồng lúa ngày càng tơi, xốp. Người dân được ăn gạo ngon, sạch, bổ dưỡng với giá cả không đắt so với gạo thường.

Sản xuất lúa hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao ảnh 7

Lúa hữu cơ được các cán bộ kỹ thuật hỗ trợ chăm sóc thường xuyên giúp bảo đảm cây không sâu bệnh, đạt năng suất tốt nhất.

Gạo sau khi được thu hoạch, sẽ được gặt sạch với nhiệt độ sấy phải bảo đảm không quá 40 độ C trong vòng 24 giờ kể từ lúc gặt, để độ ẩm lúa sau sấy dưới 13%. Lúa khi gặt, được cho vào bảo quản kho lạnh với nhiệt độ không vượt quá 25 độ C; không được sử dụng hóa chất bảo quản mà không bị mối mọt, côn trùng.

Canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đang từng bước khẳng định được hiệu quả, không chỉ giúp nông dân tạo ra sản phẩm sạch mà còn giảm chi phí sản xuất, góp phần cải tạo đất, nâng cao giá trị hạt gạo. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi dần nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, bền vững là hoàn toàn phù hợp điều kiện thực tiễn và xu thế phát triển của địa phương và khu vực.