Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 9/7/2024, có 74% người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 12% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhiều địa phương đã đạt hơn 75% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân. Cụ thể như: Hà Tĩnh 99%, Hà Nội 95%, Bình Dương 89%, Bắc Ninh 80%, Tiền Giang 78%, Thành phố Hồ Chí Minh 75%,...
Tính đến ngày 9/7/2024, có 74% người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 12% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân mang lại nhiều lợi ích. Đối với người hưởng, bảo đảm sự nhanh gọn, an toàn, thuận tiện. Còn với cơ quan bảo hiểm xã hội, góp phần tiết kiệm chi phí quản lý, thời gian, tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý người hưởng, bảo đảm chặt chẽ.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chi trả này, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường mạng lưới điểm rút tiền để người hưởng thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ của ngân hàng; nâng cấp hệ thống công nghệ, phương thức thanh toán bảo đảm việc chuyển tiền nhanh chóng, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người hưởng tiếp cận các dịch vụ.
Về kết quả triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian vừa qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rất nỗ lực trong hoàn thiện cơ sở dữ liệu, triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân, bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ theo mức hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội mới từ ngày 1/7 vừa qua.
Đạt được kết quả đó, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan này đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp để tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, bảo đảm an toàn, kịp thời.
Tạo nền tảng thực hiện hiệu quả hình thức chi trả này, hiện nay, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do cơ quan này quản lý; trong đó có khoảng 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 98% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, gần 3,4 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 100%.
Vì vậy, trong bối cảnh Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện cần thiết về dữ liệu, công tác truyền thông... để sẵn sàng chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng.
Ngay trong ngày 1/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả cho hơn 70% người hưởng qua tài khoản và trực tiếp. Qua đó, tạo dư luận tốt, tâm lý phấn khởi cho người hưởng, bảo đảm việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo Nghị định mới ban hành kịp thời, chính xác, thuận tiện, an toàn nhất cho người hưởng.
Về việc mở tài khoản cá nhân cho người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, thực hiện nhiệm vụ mục tiêu tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Kết quả, đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua việc chi trả không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị đạt 64% (vượt 4%, về đích trước 2 năm so với kế hoạch Thủ tướng giao).
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an xác thực dữ liệu người hưởng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngày 22/3/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký Quy trình phối hợp số 2286/C06-TCKT với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tăng tỷ lệ người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời rà soát, xác thực người hưởng tình trạng của người hưởng tại nơi cư trú.
Để bảo đảm thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố phối hợp với ngành Công an để tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với bưu điện, ngân hàng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân, đặc biệt, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phối hợp với cơ quan công an tại địa phương, xuống tận cơ sở, từng nhà người dân để tiếp cận, vận động, tuyên truyền, khuyến khích người hưởng mở, đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân.
Từ tháng 5 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và C06 phối hợp triển khai thí điểm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng tại 5 địa phương trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Các địa bàn thí điểm gồm có: Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Điện Biên, Đà Nẵng, Sóc Trăng.
Thông qua đó, nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng.