Bảo đảm giao thông dịp cuối năm

Lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng những năm qua, trong khi diện tích đất dành cho giao thông lại tăng rất chậm dẫn đến tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên tại Hà Nội, nhất là vào dịp cuối năm Quý Mão. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của thành phố phải có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu hơn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra tại tuyến đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm.
Tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra tại tuyến đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm.

Càng đến gần Tết Nguyên đán 2024, tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội lại càng nghiêm trọng. Từ các tuyến nội đô như Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Tây Sơn... đến đường Vành đai 2, Vành đai 3 lúc nào cũng kẹt cứng phương tiện dù không phải giờ cao điểm.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, thành phố hiện có hơn tám triệu phương tiện đăng ký, gồm 1,1 triệu ô-tô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200 nghìn xe đạp điện và chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.

Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt từ 12% đến 13% (theo quy hoạch, ít nhất phải đạt từ 20% đến 26%); tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch, phải đạt từ 3% đến 4%). Thực tế đó dẫn đến các tuyến đường, nút giao có mật độ người lưu thông rất lớn, có tuyến vượt tám lần thiết kế như tại đường Vành đai 3 trên cao, cầu Chương Dương, đoạn qua cầu Thanh Trì; các tuyến đường như Nguyễn Trãi vượt từ 3,3 đến 5,6 lần vào giờ cao điểm; đường Tố Hữu, Lê Văn Lương vượt từ 1,6 đến 1,7 lần.

Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khép kín theo quy hoạch; các công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường; tuyến đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. “Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, dự báo tình trạng ùn ứ giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến khó lường”, ông Trần Hữu Bảo nói.

Trước tình hình này, các lực lượng chức năng của thành phố đã chủ động triển khai các nhiệm vụ. Thanh tra Sở GTVT cho biết đã bố trí lực lượng tại 106 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn ứ giao thông, huy động 212 thanh tra viên/ngày trực, sáng từ 6 giờ đến 8 giờ 30 phút, chiều từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ. Đối với các vị trí bố trí lực lượng bảo đảm giao thông, ngoài khung giờ quy định, đội trưởng các đơn vị có trách nhiệm chủ động nắm bắt diễn biến tình hình giao thông để kịp thời bố trí lực lượng bảo đảm giao thông, không để ùn tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường.

Tại khu vực các bến xe khách liên tỉnh, các đội thanh tra GTVT bố trí bảy vị trí chốt trực, phân luồng hướng dẫn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cổng ra, cổng vào của bến xe; phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các bến xe khách, các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường cửa ngõ ra, vào Thủ đô; phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại an toàn, thuận tiện của người dân dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024.

Sở GTVT Hà Nội cũng công bố các số điện thoại đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh, xử lý các vi phạm vận tải trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) thông tin, từ nay cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra; lập thêm chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô và triển khai các đội kiểm tra nồng độ cồn lưu động trên đường.

Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu tỷ lệ hành khách công cộng năm 2024 đạt 22-25%; giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các điểm đen về tai nạn giao thông. Trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở GTVT chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng đề án “giao thông thông minh” trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh. Các ngành từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó ưu tiên xây dựng một số hợp phần như: Xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh của thành phố; hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ, kết nối tín hiệu đường bộ và đường sắt, lắp đặt hệ thống trạm cân kiểm soát tải trọng phương tiện.

Cùng với đó, các cơ quan tập trung xây dựng phần mềm quản lý, khai thác hệ thống dữ liệu GPS và hệ thống camera giám sát trên xe của các phương tiện giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông; xây dựng phần mềm tìm kiếm điểm đỗ thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm điểm đỗ xe, thanh toán đỗ xe thông minh; tiếp tục triển khai thí điểm thẻ vé liên thông để thu hút hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn, để từng bước hạn chế xe cá nhân và giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố.