Đã là mùa xuân đầu thì dù là đầu thập niên hay đầu thế kỷ, cái giá trị mở đầu ấy vẫn luôn tỏa rạng.
Ông cha ta có câu: Xuân đến, xuân đi, xuân lại lại. Chừng như đó là luật tuần hoàn của tự nhiên, của đất trời. Thật ra, thời gian là một dòng chảy bất tận, chỉ một chiều hướng về tương lai. Xuân đến rồi đi nhưng không bao giờ trở lại. Xuân này không phải là xuân trước, cũng không giống với xuân sau. Cái giống nhau là ở chỗ mùa xuân bao giờ cũng gieo vào lòng người cảm hứng của niềm tin và hy vọng.
Thử nhìn lại hai thập niên đầu của thế kỷ 21 với ba mùa xuân có ý nghĩa mở đầu: Xuân Tân Tỵ (2001), xuân Tân Mão (2011) và nay Xuân Tân Sửu (2021).
Xuân Tân Tỵ 2001, với Đại hội IX của Đảng, là xuân ước vọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2010, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để xây dựng nước ta, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Xuân Tân Mão 2011, với Đại hội X của Đảng, đã cất lên lời reo vui: Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Và một lần nữa, khẳng định quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Xuân Tân Sửu 2021 này, với Đại hội XIII của Đảng, niềm tin và hy vọng còn to lớn hơn nhiều. Đó là khát vọng phát triển đất nước một cách toàn diện, với tầm nhìn xa.
35 năm đổi mới vừa qua đã đánh dấu một chặng đường phát triển rạng rỡ. Những thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt của quốc gia. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Lời nhận định ấy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được sự đồng tình cao và làm nức lòng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Có được cơ đồ ấy, trực tiếp là do thành tựu 35 năm đổi mới đưa lại, nhưng cội nguồn sâu xa là di sản quý báu của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, tiếp đó là hai cuộc kháng chiến trường kỳ đại thắng, giành và giữ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời và vùng biển của nước ta.
Xin trở lại chủ đề của bài viết: "Xuân này, Xuân của khát vọng phát triển".
"Khát vọng phát triển" là cụm từ được ghi rõ trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: "Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc...".
Nói đến khát vọng phát triển là nói đến một sự khát khao cháy bỏng. Khát vọng hoàn toàn không phải là tham vọng, càng không phải là ảo vọng, tức là mơ mộng những gì cao xa mà thực tế không thể nào với tới được. Giấc mơ của chúng ta, ngược lại, không hão huyền mà hiện thực.
Tôi nhớ bài thơ "Không ngủ được"(1) của Bác Hồ năm xưa:
Một canh... hai canh... lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
Lao lung trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, mà ngay trong giấc mơ, Bác vẫn nghĩ đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam với cờ đỏ sao vàng phấp phới bay.
"Khát vọng phát triển" của ta, qua Dự thảo Văn kiện của Đại hội XIII, đã thể hiện rõ trong mục tiêu đề ra: Đến năm 2025, tức là 5 năm tới, Việt Nam sẽ là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng ta, là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến giữa thế kỷ 21, tương ứng năm 2045, kỷ niệm Nhà nước độc lập của ta tròn tuổi 100, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.
Thật đáng tự hào. Nhưng tự hào không có nghĩa là tự kiêu, tự mãn. Tự hào chính đáng là phát huy, tích tụ thêm tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo cho phát triển. Còn tự kiêu, tự mãn, cái gì cũng cho mình là nhất, là đủ thì khác nào có của mà không biết giữ, lại phung phí tiêu xài.
Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020), Đảng ta nhận định: Những kết quả đạt được tạo ra dấu ấn nổi bật, là điểm tựa cho những năm tiếp theo đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới(2).
Nhưng để đạt được những kết quả đó, Đảng và nhân dân ta đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thách thức. Những diễn biến phức tạp của năm 2020 là một bằng chứng cụ thể. Cùng với tai họa đại dịch Covid-19, là thiên tai nghiệt ngã, hạn hán nối tiếp hạn hán, bão lũ chồng lên bão lũ. Tai ương giáng lên đầu người dân nhiều vùng. Nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt, những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc hết mình của cả hệ thống chính trị thì liệu chúng ta có được đánh giá là một "điểm sáng" trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế! Liệu Việt Nam có được thế giới xếp vào tốp dẫn đầu các nước có nhịp độ tăng trưởng cao! Được công nhận là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc!
Nhìn ngược lại 35 năm đổi mới, tình hình cũng như vậy. Cơ hội và thách thức luôn đan xen; có khi thách thức lấn át cả cơ hội. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức. Vượt qua thách thức, biến nguy cơ thành thời cơ là một trong những bài học quý của chúng ta.
Nhìn về phía trước, đến giữa thế kỷ 21, để nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao, chắc chúng ta còn phải vượt qua nhiều thử thách to lớn hơn nữa. Thử thách từ những biến động khó lường của tình hình thế giới. Thử thách từ những nhân tố khách quan và chủ quan của tình hình trong nước mà chúng ta chưa thể dự báo được.
Cách mạng, rõ ràng, không phải là một cuộc dạo vườn xuân. Mỗi chặng đường phát triển là một bước tiến vẻ vang, cũng là thử thách hết sức gian lao. Chỉ có quyết tâm chinh phục, có chí vượt gian lao, nguy hiểm thì mới có thắng lợi cuối cùng.
Nhân tản mạn chuyện ngày Xuân Tân Sửu, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ "Đi đường"(3) của Bác Hồ:
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Xuân Tân Sửu 2021
----------------------
(1), (3) Sách Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, Nxb Chính trị quốc gia.
(2) Báo Nhân Dân ngày 19-12-2020.