Chủ tịch Hồ Chí Minh thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài

Không rõ trước năm 1945 tại nước ngoài, đã có ai dùng cụm từ "quan cách mạng" chưa(!?). Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là người đầu tiên dùng mấy từ ấy. Người dùng nhiều lần, Người phân tích cặn kẽ, Người đấu tranh không khoan nhượng chống những tệ nạn do các quan cách mạng gây nên, chẳng bao lâu, cụm từ ấy đi vào ngôn ngữ ngày thường và lan tỏa qua báo chí, truyền thông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức Quốc hội khóa III. Ảnh: MAI NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức Quốc hội khóa III. Ảnh: MAI NAM

Trong lời phát biểu tại buổi ra mắt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I tổ chức tại Việt Nam học xá (nay là Trường đại học Bách khoa Hà Nội) ngày 5-1-1946, Người nói với đông đảo cử tri một câu sẽ đi vào lịch sử: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu" (1).

Cùng ngày hôm ấy, Báo Cứu quốc đăng trang trọng bài "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu"(2). Bài viết dài không quá 350 chữ mà hào hùng, súc tích, tác dụng lớn, xứng đáng là một áng "thiên cổ hùng văn" trường tồn cùng dân tộc. Trong bài, Chủ tịch Hồ Chí Minh tám lần nhắc đi nhắc lại hai từ "ngày mai", ngày đánh dấu sự kiện có một không hai tại châu Á và cũng hiếm hoi trên toàn thế giới hồi bấy giờ:

"Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946".

"Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử...".

Cứ thế, hai từ "Ngày mai" lặp đi lặp lại, mở đầu các vế văn cô đọng và cuốn hút như những điệp khúc quân hành.

Người nhắc những ai sẽ trúng cử, làm đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, "Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng".

Nói dễ, làm khó. Chính vì vậy, cùng ngày 5-1-1946, tại buổi lễ Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức mừng Liên hiệp quốc gia, trước Phật đài tôn nghiêm và đông đảo đồng bào có mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó". Về phần mình, Người "xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ" (3).

Trong vòng hai ngày, 48 giờ đồng hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy lần thổ lộ với toàn thể đồng bào và nhân dân thế giới bấy nhiêu tâm tình. Đó cũng là lời cảnh cáo thực dân Pháp đang lăm le áp đặt lại ách đô hộ của chúng lên đất nước Việt Nam. Mấy hôm trước, chúng cho tàu bay tàn sát đồng bào ta ở Châu Đốc, Nam Bộ; tại Hà Nội chúng ngang nhiên treo cờ tam tài lên Nhà hát Lớn (4).

*

Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời làm việc vì nước vì dân là mối quan tâm và trăn trở suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt từ sau ngày Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 cho đến lúc Người ra đi "gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác", 2-9-1969.

Ngày 3-9-1945, ngay sáng hôm sau Lễ Tuyên ngôn độc lập tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước", nêu sáu vấn đề trọng tâm của Chính phủ và cũng là của toàn dân. Sau ba vấn đề khẩn cấp: Một là tăng gia sản xuất, khắc phục hậu quả nạn đói khiến hai triệu đồng bào ta chết đầu năm 1945, lúc này lại đang phải đối mặt trận lụt vỡ đê làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực; hai là mau chóng xóa nạn dốt, bởi "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; ba là tổ chức Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, xây dựng Hiến pháp. Người phân tích vấn đề thứ tư, lâu dài hơn: Chế độ thực dân đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện, chúng dùng mọi thủ đoạn làm hư hỏng dân ta bằng nhiều thói xấu. Chúng ta phải làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Muốn vậy, phải thực hiện cần kiệm liêm chính.

Có thể nói, trong một phần tư thế kỷ tại thế, với tư cách công dân một nước độc lập, một người lãnh đạo quốc gia, một nhà văn hóa lỗi lạc từ tháng tám năm 1945 Tổng khởi nghĩa thành công đến mùa thu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi lần tiếp xúc với nhân dân, cán bộ, từ các đại hội toàn quốc đến những chuyến đi gặp gỡ, chuyện trò với đồng bào ở xã, phường, khu phố, đảo xa… hễ gặp dịp là Người khuyên cán bộ, viên chức, bất kỳ ở cấp nào, đều là những người đầy tớ của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên hàng đầu, vì lợi ích chung quên lợi ích riêng, tuyệt đối không làm "quan cách mạng".

Trong "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà" (tỉnh Nghệ An) ngày 17-9-1945, với tư cách "một người đồng chí già... san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí", Người nhắc: Bên cạnh "nhiều người "cúc cung tận tụy", hết sức trung thành với nhiệm vụ... với quốc dân... cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng". Một tháng sau, ngày 20-10-1945, nói chuyện với các đội viên Đội Tuyên truyền xung phong, Người dặn: "Chớ có lên mặt "quan cách mạng". Chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta" (5).

Tâm huyết Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ hơn cả tại Di chúc mà Người lưu lại cho đời. Sau mấy câu mở đầu, Người nói trước hết về Đảng, đảng viên, cán bộ. Một lần nữa, và đây là lần cuối trong đời sau mấy năm suy tư chỉnh sửa, Bác Hồ nhấn mạnh: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

*

Cán bộ, viên chức là đầy tớ của nhân dân đồng thời là nhà lãnh đạo, người quản lý việc công. Đức gắn với tài. Đức là công phu rèn luyện của mỗi người theo hướng vì nhân dân phục vụ. Tài có phần do trời ban (thiên phú), cái chính vẫn là do học tập suốt đời, tự bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ và khả năng thực hành. Thái độ trân trọng và cách hành xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các vị nhân sĩ lỗi lạc trong nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn…, các trí thức trưởng thành ở nước ngoài như: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, Lương Định Của... cho thấy rõ đức độ của Bác Hồ thu hút nhiều người có tài, có đức không nề nhân thân, quá khứ của bất kỳ ai, quây quần tụ hội quanh Người.

Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần gửi điện vào Huế mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội gặp Người bàn việc nước. Nể lời Bác, cụ Huỳnh ra Thủ đô nhưng xin không nhận bất cứ nhiệm vụ nào vì tuổi cao sức yếu. Bác Hồ đã thuyết phục cụ Huỳnh tham gia Chính phủ.

Tháng 5 năm sau (1946), khi Người cần rời Hà Nội sang Pa-ri đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, Người ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước. Trước lúc lên máy bay, Người nói với cụ: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho".

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đầu năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ngày nay) viết bức thư dài bằng chữ Hán theo thể phú, kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia kháng chiến. Cụ khẳng định: "Người thân yêu kính mến nhất của đồng bào quốc dân chúng ta là Hồ Chí Minh tiên sinh; Là bậc yêu nước chân chính đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia; Chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm...".

Một lần, trả lời câu hỏi của một nhân sĩ cao tuổi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ phân tích: "Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói bằng cấp, thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói tri thức và sự nghiệp cách mạng thì hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới" (6).

*

Ngày 2-3-1946, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo việc thành lập Chính phủ. Khi đọc tên từng thành viên Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua, Người dành cho mỗi vị những lời thật trang trọng. Về Bộ trưởng Nội vụ, Người giới thiệu "Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng". Bộ Quốc phòng, "Một thanh niên trí thức và hoạt động, quốc dân ta đã từng nghe tiếng: ông Phan Anh". Bộ Giáo dục, "Một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: ông Đặng Thai Mai". Bộ Tư pháp, "Một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: ông Vũ Đình Hòe", v.v...

Cái tài, cái đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng nhân tài, rèn luyện cán bộ đã thu hút biết bao người hiền, tài năng, đức độ thuộc nhiều khuynh hướng và niềm tin khác biệt về quây quần quanh Người, hết lòng phục vụ nhân dân, đất nước, dưới sự lãnh đạo của Người.

Cái đức, cái tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên nhiều thế hệ cán bộ có đức, có tài tự nguyện làm những người đầy tớ của nhân dân, sẵn sàng hy sinh thân mình vì nghĩa cả. Trong những ngày cực kỳ gian khó, khi còn phải hoạt động ở nước ngoài, dưới sự săn lùng của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt của cách mạng. Tháng 11-1924, vừa từ Mát-xcơ-va, Nga về tới Quảng Châu, Trung Quốc, Người đã bắt tay làm cùng lúc hai việc trọng đại: mở các lớp bồi dưỡng những thanh niên yêu nước vừa bí mật vượt biên sang đây thành những người có đức đủ tài, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; và xuất bản Báo Thanh Niên số 1 ra ngày 21-6-1925, tờ báo khởi nguồn báo chí cách mạng Việt Nam. Những bài Nguyễn Ái Quốc giảng tại các khóa học được Người tóm tắt cho đăng lên Báo Thanh Niên, rồi chọn lọc, tập hợp lại in thành sách, vạch con "Đường Kách mệnh" (tên cuốn sách) đưa về lưu hành bí mật trong nước. Báo và sách chỉ đường, nhiều vị trong số cán bộ được Người đào tạo trong những điều kiện gian khó ấy sẽ là những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta ngay sau ngày giành lại chính quyền, kiến lập nền dân chủ cộng hòa.

*

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, các nhân sĩ, trí thức, thanh niên yêu nước cùng các chiến sĩ cách mạng gắn bó bên nhau, nối tiếp nhau cùng toàn dân đưa Việt Nam từ một "dân tộc yếu vì dốt" với 95% dân số không biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ, một đất nước từng chịu cảnh hai triệu người dân chết đói trong một năm, thành một quốc gia chiến thắng lẫy lừng trước các cường quốc và thế lực gian hùng, qua mấy cuộc chiến tranh giữ nước, cứu nước, bảo vệ biên cương, từ đó không ngừng đổi mới, phát triển, chủ động hội nhập quốc tế, đạt vị thế được bạn bè gần xa nể trọng.

--------------------------------

(1). Báo Cứu quốc số ra ngày 7-1-1946. In lại trong "Hồ Chí Minh toàn tập", tập IV, tr.147.

(2). Báo Cứu quốc ngày 5-1-1946.

(3). Báo Cứu quốc ngày 8-1-1946.

(4). Sách "Lời Hồ Chủ tịch" Nhà xuất bản Tiến hóa, Hà Nội, 1946.

(5). Báo Cứu quốc, ngày 22-10-1945.

(6). Theo tư liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.