Năm qua, đồng bào cả nước đã trải qua bao gian khó, nhọc nhằn. Hết bão dịch Covid-19 lại đến bão trời, dông lốc, sạt lở núi... Nhưng dân ta đã bền gan, vững chí chống "giặc" và vượt lên mọi khó khăn, thách thức. Như trong lũ lụt, bà con miền trung vẫn thường bảo nhau "đá trôi, làng không trôi". Khi mọi người thương yêu, đùm bọc nhau thì gian khó, tai ương đến mấy rồi cũng vượt qua.
Tôi cũng muốn mượn cảm giác này để nói về một chặng đường lịch sử của Đảng ta, dân tộc ta, chặng đường 35 năm qua. Từ nhiều năm nay chúng ta đã quen đếm nhịp thời gian, đếm nấc thang ghi dấu những hành trình trên một con đường vĩ đại - con đường đổi mới toàn diện và đồng bộ. Đổi mới, một danh từ viết hoa. Hình ảnh đẹp này không rõ ai là người viết ra đầu tiên, nhưng trong nghĩ suy, tâm tưởng, niềm tin của mỗi người dân đất Việt, hai tiếng ấy vang lên rất đỗi thiêng liêng mà vô cùng gần gũi.
Nhìn lại các chặng đường đã đi qua, nhìn lại 35 năm Đổi mới là một tổng kết lớn. Đại hội lần thứ X, XI, XII của Đảng đều có những nhận định vừa bao quát vừa khá cụ thể trên từng lĩnh vực. Đến Đại hội XIII, trước thềm Xuân Tân Sửu, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới...". Đặc biệt, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này bổ sung một nhận định rất quan trọng: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày nay chúng ta quen gọi là Đại hội khởi xướng công cuộc Đổi mới đất nước, chúng tôi vẫn nhớ như in những dấu mốc khó quên trong cuộc đời. Nhớ, bởi vì có những quyết định lớn ở tầm vĩ mô, khi đã đi vào đời sống rồi mới thấy nó thật là đơn giản. Vậy mà phải bao nhiêu tìm tòi, đấu tranh, bao nhiêu tâm huyết, vượt lên biết bao ngáng trở, có khi ngáng trở nhất lại là sức ỳ của tư duy, mới đề ra được và làm được. Mới thấy những quyết định đúng đắn của những người chèo lái con thuyền đất nước lúc bấy giờ là vô cùng can đảm.
Đó là ngày 1-3-1987, các trạm kiểm soát hàng hóa trên tất cả các tuyến đường đồng loạt bị bãi bỏ, như xóa đi một nếp nghĩ của lối sản xuất nhỏ ngăn sông cấm chợ. Đó là ngày 29-12-1987, Nhà nước ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đó là ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10/NQ về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, hay còn gọi là Khoán 10, v.v. Chúng tôi nhớ nhất ba dấu mốc ấy một phần vì nó gắn liền với cuộc đổi đời của cả dân tộc, một phần vì gắn với những kỷ niệm cá nhân. Ngày đó, chăm chú theo dõi vệt bài của nhà báo Hữu Thọ đăng trên Báo Nhân Dân: "Khoán 10 khác gì so với Khoán 100?", với sự giải thích cặn kẽ về tiềm năng, lợi thế, động lực người lao động, cùng với những dẫn chứng sinh động từ ruộng đồng, cứ nghĩ người nông dân từ đây được trao chiếc chìa khóa để mở cửa kho vàng, để đánh thức "giấc ngủ đông" của những cánh đồng bát ngát chân mây. Phải nói đúng là kho vàng, bởi vì giữa năm 1988 các tỉnh miền bắc còn thiếu lương thực, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Vậy mà chỉ năm sau, nông nghiệp nước ta đã như có một đôi cánh thần kỳ. Năng suất tăng nhanh. Đủ ăn. Có dự trữ. Đặc biệt, vào năm 1989, Việt Nam đã có sản lượng gạo xuất khẩu, và hiện nay đã đứng ở tốp đầu thế giới.
"Dĩ nông vi bản", cha ông ta đã dặn, lấy nghề nông làm gốc. Nhưng khi nông nghiệp đã ổn định, phát triển, đã giải được bài toán lương thực thì vấn đề đi liền với nó là phát triển công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, để làm sao sớm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển. Qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, khái niệm về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Kinh tế phát triển phải trên cơ sở chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, văn hóa - xã hội được coi trọng, vừa là mục tiêu vừa là động lực. Chúng ta đổi mới thành công, không rơi vào sai lầm trong cải tổ, cải cách như một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, là vì đổi mới bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế, trước hết từ kinh tế, chứ không để xảy ra những biến động lớn về mặt chính trị - ý thức hệ và xã hội, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong Đổi mới, luôn phối hợp chặt chẽ các chủ trương, chính sách và kết hợp tối ưu giữa các lợi ích ngắn hạn, cục bộ với các lợi ích dài hạn và toàn thể.
Sau 35 năm Đổi mới, đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh định hướng phát triển trong những năm tới cần nắm vững và xử lý chín mối quan hệ lớn, trong đó hai mối quan hệ cốt lõi nhất là: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đây là bước phát triển quan trọng trong tổng kết thực tiễn, đúc rút thành lý luận của Đảng ta. Đây là thể hiện sự trung thành, kế thừa và phát triển học thuyết Mác - Lê-nin của Đảng ta, là "lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều" - như Ph.Ăng-ghen từng lưu ý.
Ở dấu mốc lịch sử này, không phải trong lòng mỗi người không còn những băn khoăn, lo lắng. Lo lắng về bốn nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, đối với sự tồn vong của đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, khóa VII (1-1994). Nay nhấn mạnh thêm nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Lo lắng về nạn tham nhũng, quan liêu và các tiêu cực khác. Tham nhũng kinh tế thì đã nhận mặt chỉ tên và diệt trừ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhưng còn tham nhũng chính trị? Nó thấp thoáng trong rất nhiều công việc trong bộ máy Đảng, bộ máy công quyền, ẩn náu trong suy nghĩ, việc làm như: chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy bằng cấp. Cách nào đây để tiếp tục kiểm soát thật tốt quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ? Khéo dùng cán bộ, tin cán bộ, nhưng phải có cơ chế thật tốt để chọn mặt gửi vàng, điều mà cha ông ta nói thật thấm thía: "Vẫn biết tròn là khôn/nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu" (Nguyễn Văn Siêu).
Thời cơ lớn đang đến cùng với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Hãy vững tin bước vào trận mới! Tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới… đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Xin đừng băn khoăn: Đổi mới bao giờ thì xong? Đổi mới phải thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng, không có giới hạn. Bởi vì mục tiêu của Đổi mới là rõ ràng: Không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân, không ngừng phát triển đất nước về mọi mặt. Điều này, Đảng ta đã nêu trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: "Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam): Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Mỗi thời mỗi khác. Ngọn đèn trên đầu, từ đốm mờ dầu lạc đến dầu hỏa, đến nê-ông, rồi đèn led đổi mầu theo cảm xúc. Cây bút trong tay, từ bút lông đến bút sắt, bút máy và ngày nay là máy tính. Nhưng thời nào thì cũng phải vươn lên, vượt lên chính mình, để giàu có hơn, chỉ số hạnh phúc cao hơn. "Thời" cách mạng công nghiệp 4.0, no ấm có những tiêu chí khác. Chẳng hạn "ăn no, mặc ấm" là thời đất nước vừa thoát khỏi xiềng gông thực dân, phong kiến, thời sản xuất nhỏ, nay thì phải phấn đấu "ăn ngon, mặc mốt". Tự do trong thời kinh tế số, công nghệ số, thời hội nhập toàn cầu cũng vậy, nội hàm, ngoại diên của nó cũng có những thay đổi. Tự do đi liền với dân chủ, với kỷ cương, pháp luật, với giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, không đánh mất mình. Tự do để khát vọng, vươn tới mạnh mẽ hơn. Người đứng trên đỉnh núi cao có khát khao khác với người đứng trên một mô đất ở một đầm lầy vừa cạn nước. Khi cái tôi càng nhỏ thì tấm lòng với đất nước, non sông càng lớn.
Và như thế phía trước chúng ta, chân trời mới đang mở ra, đỉnh cao mới đang vẫy gọi. Chân trời ấy, đỉnh cao ấy có tên: Giấc mơ thịnh vượng.