1. Những gánh hoa len lỏi trong phố mang không khí xuân sớm về Hà Nội. Phố phường nhộn nhịp hơn khi người dân hối hả hoàn tất công việc của năm cũ, chuẩn bị sắm Tết. Những thông điệp nhắc nhở người dân nêu cao phòng, chống dịch Covid-19 vẫn hiện hữu. Nhưng Hà Nội đã trở lại với nhịp sống thường ngày. Nhìn vào dòng chảy cuộc sống, không mấy ai nghĩ rằng, năm 2020, có đến hai lần đại dịch Covid-19 "tiến công" Hà Nội.
Sẽ còn lâu lắm, người Hà Nội mới quên được cái đêm đầu tháng 3-2020, khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện. Người dân thành phố đã có đêm trắng trong âu lo. Song ngay trong thời khắc khó khăn ấy, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã cho thấy một tâm thế, một đường hướng chống dịch vững vàng. Điều ấy tạo chỗ dựa tinh thần cho nhân dân Thủ đô. Nhiều ngày tiếp theo, Hà Nội là tâm dịch lớn nhất cả nước, với những ổ dịch ở phố Trúc Bạch (quận Ba Đình), thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), Bệnh viện Bạch Mai… Mặc dù vậy, cả hệ thống chính trị vào cuộc nhịp nhàng, từ truy vết các đối tượng tiếp xúc F1, F2, cho đến khoanh vùng dập dịch… Những đội phản ứng nhanh sẵn sàng xuất phát ngay trong đêm, những cán bộ cơ sở ở cùng với người dân ở khu vực phải cách ly, những y sĩ, bác sĩ gửi con nhỏ về quê để yên tâm chống dịch… Kể làm sao hết những câu chuyện ấm lòng. Thử thách càng lớn hơn, khi sang tháng 4, Hà Nội cùng cả nước phải thực hiện cách ly xã hội. Cùng với sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể, những cây "ATM gạo", những gian hàng miễn phí mọc lên…, người Hà Nội yêu thương, đùm bọc nhau đi qua dông bão.
Kinh nghiệm "khoanh nhanh, diệt gọn" tiếp tục được áp dụng khi thành phố đối đầu "làn sóng" Covid-19 thứ hai. Cũng phức tạp và cam go. Nhưng khi tất cả đồng lòng, Hà Nội đã vượt qua thử thách. Bây giờ, khi còn rất nhiều nước vẫn đang phải vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, thì Hà Nội, Việt Nam vẫn là "vùng trời bình yên" rất đỗi hiếm hoi.
2. Hà Nội vững vàng đi qua gian khó như một trang nối tiếp truyền thống. Năm 2020 cũng tròn 1010 năm Vua Lý Thái Tổ ban Thiên đô chiếu, dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Từ ấy trở đi, mảnh đất này mang sứ mệnh kinh sư, là nơi hiền tài bốn phương hội tụ. Hội tụ, kết tinh rồi lan tỏa những giá trị tinh hoa. Hôm nay, chúng ta thừa hưởng một hệ thống di sản đồ sộ của cha ông. Đó là Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới. Đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là ốc thành Cổ Loa, là phố cổ lắng đọng chiều sâu văn hóa, là mộc mạc Đường Lâm làng cổ… và hàng nghìn di sản quý báu khác. Nhưng cái quý giá nhất, là di sản tâm hồn. Qua bao thế hệ, tâm hồn con người ở mảnh đất này "mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi". Người Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Nhưng thẳm sâu bên trong hào hoa lãng mạn, là khí phách kiên cường.
Qua dặm dài lịch sử, kinh đô Thăng Long cùng đất Việt trải qua bao thử thách. Đó là những trận đánh khiến vó ngựa Nguyên - Mông phải chùn chân, để rồi "Non sông nghìn thuở vững âu vàng". Đó là khi người dân Thăng Long cùng đoàn quân của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ thần tốc đánh đuổi quân Thanh, khiến tướng giặc sợ vỡ mật, cắt cầu phao rút chạy… Ở thời đại Hồ Chí Minh, đó là những ngày đêm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", khi những chàng trai cô gái Hà thành vũ khí đơn sơ đương đầu với xe tăng bọc thép, giành giật từng góc phố, căn nhà giam chân thực dân Pháp trong mùa đông 1946. Đó là chiến thắng oai hùng của trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972, khi "rồng lửa Thăng Long" vít cổ pháo đài bay B-52, tạo tiền đề để non sông thống nhất…
Khí phách Thăng Long, tâm hồn Hà Nội được hun đúc không chỉ bởi những hiền tài mà còn từ những con người bình dị. Ở "cuộc chiến" chống dịch Covid-19, ta không thể không xúc động trước hình ảnh những cụ già 80, 90 tuổi đạp xe đến ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19. Ta không thể không cảm phục tình cảm của những cô bé, cậu bé tự tay làm ra những dụng cụ phòng dịch để tặng cho cộng đồng... Khi có những con người như thế, ta hiểu vì sao trong suốt đường dài lịch sử, Hà Nội vẫn luôn là "niềm tin và hy vọng" của cả dân tộc.
3. Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 1010 năm tuổi đúng vào dịp thành phố tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ 17. Dù gặp nhiều khó khăn ở năm cuối nhiệm kỳ, nhưng nếu nhìn lại, có những điều trở thành bình thường hôm nay, là điều khó có thể tưởng tượng được trong những năm trước. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,9 lần mức tăng của cả nước. Chỉ ở khu vực trung tâm thành phố, giờ có sáu cây cầu bắc qua sông Hồng. Thành phố đang tiếp tục xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, chuẩn bị xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên trong thời gian tới. Những con đường trên cao, con đường cửa ngõ Thủ đô sáu, hay tám làn xe đã trở thành quen thuộc. Ở khu vực nông thôn, thành phố là đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với bảy huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn và sáu huyện khác đang trình hồ sơ thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới. 367 xã (chiếm 96,3% tổng số xã của thành phố) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hà Nội bước vào nhiệm kỳ mới, đón năm mới Tân Sửu 2021 trong tâm thế mới. Thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn, nhờ vào "điểm tựa" công nghiệp. Nhưng thế giới đổi thay, với những bước đi nhanh đến chóng mặt của thời đại 4.0. Hà Nội đã bắt nhịp với sự thay đổi ấy bằng gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đấy là một cuộc điều chỉnh lớn về đường lối, với mục tiêu phát triển bền vững bằng phát huy nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa. Phát triển bền vững, không chỉ là tăng mức thu nhập bình quân đầu người một cách cơ học, bằng mọi giá, mà hướng đến thay đổi chất lượng cuộc sống người dân về mọi mặt. Hà Nội vừa phải phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người từ 8.300 - 8.500 USD/năm, vừa phải chú trọng xây dựng văn hóa tiêu biểu cho văn hóa - con người Việt Nam, vừa phải khai thác giá trị văn hóa để phục vụ phát triển.
Thời cơ mới, luôn đi kèm thách thức mới. Nhưng từ bề dày lịch sử, từ chiều sâu văn hóa, ta hiểu thêm khí chất mảnh đất - con người Thăng Long Hà Nội, để ta thêm vững tin vào chặng đường sắp tới của Thủ đô và dân tộc.