Chuyện kể khi Xuân về

1. Cuối năm Canh Tý, tôi được mời làm Giám khảo cuộc thi viết về hình ảnh người Cảnh sát giao thông (CSGT) năm 2020 với chủ đề "Sắc nắng trên những tuyến đường". Trong số 30 tác phẩm báo chí và văn học lọt vào chung khảo, tôi đặc biệt chú ý đến sáu truyện ngắn. Sáu tác phẩm là sáu góc nhìn về một "binh chủng" gần gũi với dân nhất và cũng hay "động chạm" với dân nhất.

Công an xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Ảnh: MINH QUỲNH
Công an xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Ảnh: MINH QUỲNH

Người viết, mà hầu hết là ngoài ngành công an (CA), đã rất công tâm khi nhìn nhận đánh giá về những chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Bởi lẽ, những chiến sĩ mang trang phục sắc nắng ấy, đâu chỉ có việc thổi còi, phạt tiền những người uống bia, rượu khi lái xe; chặn bắt những kẻ đua xe, hay phóng nhanh vượt ẩu; dán "giấy vàng" phạt nguội các bác tài đậu xe choán lòng đường... Họ luôn chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng để bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn.

Câu chuyện của họ đã được tác giả các truyện ngắn Đêm không bình yên, Trong ánh nắng chiềuBay đi theo gió... khắc họa rất sinh động, có khen, có phê, nhưng hàm chứa giá trị nhân văn. Thật ra, tác phẩm báo chí và văn học trong một cuộc thi mới chỉ là một vài chấm phá nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Báo cáo tại Hội nghị CA toàn quốc cho thấy, năm 2020, từ những giải pháp quyết liệt, đội ngũ CSGT đã góp phần "kéo" tai nạn giao thông cả nước giảm 16,01% số vụ; giảm 11,33% số người chết; giảm 18,14% số người bị thương. Những con số ấy thật sự là tin vui.

2. Năm 2020 còn có thêm tin vui nữa từ một "binh chủng" khác của lực lượng Công an nhân dân (CAND). Nói một cách hình ảnh thì đó là "binh chủng" của những chiến sĩ mang "sắc xanh bình yên đến từng xóm phố". Nhớ lần xuống địa bàn lấy tài liệu viết bài, tôi được nghe kể về một vụ đánh bạc ăn tiền trong nhà một ông trưởng thôn sau tiệc rượu ngày giỗ mẹ. Trưởng CA xã mới được dân cử ra, lại là "thằng cháu rể" ông trưởng thôn nên chứng kiến cảnh người làng sát phạt nhau mà chả dám "ho he". Chỉ đến khi, hai con bạc là thằng em họ và ông chú đằng vợ tố nhau ăn gian, vác dao đâm nhau đổ máu, Trưởng CA xã mới cuống quýt gọi công an huyện về hỗ trợ xử lý... Những chuyện bi hài như thế, mấy năm gần đây đã từng bước được khắc phục từ một chủ trương lớn. Đó là việc bố trí, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ hướng về cơ sở. Tính đến tháng 11-2020, đã bố trí được 44.852 cán bộ CA chính quy tại 8.619 xã, bảo đảm mỗi xã có ít nhất năm cán bộ CA sắc phục xanh, quân hàm, quân hiệu chỉnh tề. Với đội ngũ CA chính quy này, địa bàn kỳ vọng sẽ không còn tình trạng lệ làng lấn át phép nước, sẽ tiến tới chấm dứt tình trạng quan hệ thân tộc gây ảnh hưởng việc thực thi nghiêm chỉnh pháp luật tại địa phương...

Tuy nhiên, khi lực lượng CA chính quy về cơ sở, cùng với việc trang bị, nghiệp vụ tinh thông, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải biết dựa vào dân, được dân tin tưởng, giúp đỡ. Mà muốn thế, CA cơ sở càng phải thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy, nhất là ba điều phải rèn luyện hằng ngày: đối với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính - ấy là cái khó nhất khi phải vượt qua cám dỗ, vượt qua chính cái Tôi của mình; đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép - ấy là lẽ sống của người CA cách mạng vì nhân dân phục vụ, chứ không phải những ông quan cách mạng đe nẹt, hống hách; đối với công việc, phải tận tụy - ấy là bổn phận thực thi công vụ để xứng đáng công bộc của dân, "thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi". Thực tế tinh thần phục vụ nhân dân đã được lực lượng CA, trong đó nòng cốt là CA cơ sở, thể hiện qua các hoạt động xã hội từ thiện, xây nhà tình nghĩa, hiến máu cứu người, giúp dân trong bão lũ... Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, CAND là một trong những lực lượng tiên phong trên tuyến đầu. Hình ảnh các chiến sĩ CA ngày đêm căng mình trên các cửa khẩu; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp... chặn dịch, liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. 40.000 đơn vị máu do cán bộ, chiến sĩ CAND hiến tặng đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu điều trị, cứu giúp các bệnh nhân tại nhiều bệnh viện... Tư cách, hình ảnh của chiến sĩ CA còn hiển hiện, trui rèn qua chính công việc hằng ngày, của CSGT, cảnh sát cơ động, cán bộ an ninh, điều tra hình sự, kinh tế...

Có thể nói cách "điều binh" của Bộ Công an theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", thời gian qua đã phát huy hiệu quả: An ninh quốc gia được giữ vững, các sự kiện chính trị quan trọng như Hội nghị cấp cao ASEAN 36, 37; Hội nghị AIPA 41... được bảo vệ tuyệt đối an toàn; theo thống kê của Bộ CA từ ngày 15-12-2019 đến 15-11-2020, lực lượng CAND đã điều tra, làm rõ hơn 35.800 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 83,50% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 8,5%); điều tra, triệt phá 1.860 băng nhóm tội phạm hình sự; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ... Năm 2020, là một năm nhiều khó khăn và chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, từ bão lũ. Nhưng thông điệp vui từ Hội nghị Công an toàn quốc đã khẳng định: Các loại tội phạm cả nước đều giảm! Đó cũng là niềm tin vững chắc và quyết tâm mới trong năm 2021: tiếp tục kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội, nghĩa là cả nước sẽ giảm đi hàng nghìn vụ phạm pháp hình sự, hàng nghìn người sẽ không phải vướng vào vòng lao lý...

3. Năm 2020 khép lại với dư âm về các sự kiện văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập lực lượng CAND. Đó là Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND; là "Giai điệu tự hào" với chủ đề Vì bình yên cuộc sống và Chương trình "Hoa cài trên lá chắn" của Đài Truyền hình Việt Nam. Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị và cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong đấu tranh chống các loại tội phạm và trở thành nguyên mẫu của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Hàng trăm tập phim thu hút khán giả bởi những số phận, sự hy sinh và chiến công của họ như: Cảnh sát Hình sự; Bí mật Tam giác Vàng; Những đứa con biệt động Sài Gòn...

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 năm 2020 vừa qua, có hai sĩ quan CA được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND khiến tôi đặc biệt chú ý. Đó là Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc CA tỉnh Sơn La và Đại tá Mai Hoàng, Phó Cục trưởng Cảnh sát hình sự. Tôi nhận thấy dấu ấn của các anh in đậm trong những nhân vật Công an của 45 tập phim Cung đường trắng trên VTV gần đây, tái hiện cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt chống tội phạm ma túy ở vùng "đất nóng" Tây Bắc mà các anh như thể là nguyên mẫu những vị chỉ huy vô cùng mưu trí và dũng cảm...

Trong Đại hội thi đua lần này còn nhiều tấm gương chiến sĩ CA xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Đó là Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Công an quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, người chỉ huy bản lĩnh vì bình yên trên từng ngõ phố. Đó là Thượng tá Y Mai Anh, Trưởng Công an huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ gian nguy, là Trung tá Sùng A Làng, Trưởng CA xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái luôn "4 cùng" với nhân dân, là Đại úy Lê Việt Trường, cán bộ Công an huyện Bến Lức, Long An, điển hình trong tổ chức phong trào quần chúng giữ gìn trật tự trị an xóm ấp... Những tấm gương chiến sĩ CA ấy sẽ là hình mẫu tương lai, trong các tác phẩm về đề tài Bình yên cuộc sống năm 2021 và đời sống văn học nghệ thuật thập niên mới.

Chuyện kể khi Xuân về -0
Lực lượng cảnh sát giao thông. Ảnh: GIANG HUY