Ðiểm tựa ngày thiên tai
"Ðường vào UBND xã sao rồi anh My ơi, chúng tôi đang lên hỗ trợ bà con đây?". Giọng My lẫn nhiễu âm ồn ào, nghe vài lần mới hiểu: "Cứ lên đi, chỗ nào ô-tô không đi được thì đi xe máy, chỗ nào xe máy không đi được thì đi bộ, cứ đi khắc đến". Ði thì dễ rồi, nhưng còn hàng hóa nhu yếu phẩm cả xe tải thì làm sao? Nói vậy nhưng chúng tôi cứ băng mưa gió và đi.
Ngôi nhà sàn đầu xã khi chúng tôi đến có rất đông bà con từ các bản lặn lội ra nhận hàng từ các đoàn cứu trợ nhiều vùng miền tìm về. Nhìn Hồ Văn My thoăn thoắt điều phối, chỉ đạo bà con trật tự, nhận quà theo từng bản, bản nào nhận đoàn nào, cân đối hàng quà ra sao mới nhớ ra một điều quan trọng: Khi thiên tai bão lụt, chính những người vận hành tốt nhất trong sự cố là những cán bộ cấp cơ sở, những Bí thư, Chủ tịch các xã. Những ngày đi cứu trợ sau bão lũ tại các xã miền núi của Quảng Trị, câu chuyện của họ khiến tôi nhớ lại rất nhiều gương mặt cán bộ cơ sở khác đã gặp trên hành trình tác nghiệp.
Trận lũ vừa qua, ở Quảng Bình, có một chủ tịch xã qua đời. Ông là Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch). Ðêm tối, đi ứng cứu dân, ông Miên bị thương nhẹ ở khớp gối phải. Cứu dân như cứu hỏa, ông xem đó là vết thương nhẹ, tiếp tục dầm nước lũ nhiều ngày. Lũ rút, ông Miên bị sốt, ra trạm xá xã tiêm thuốc giảm sốt nhưng không đỡ. Ðến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba (Ðồng Hới) nhưng bệnh tình ngày một xấu hơn, ông phải chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị một loại vi khuẩn nước bạc gây ra bệnh Melioidosis cấp tính hay còn gọi là whitmore (vi khuẩn ăn thịt người). Ông Miên phải thở máy, lọc máu liên tục. Và do bệnh trạng quá nặng, ông đã ra đi khi chỉ vừa nhậm chức Chủ tịch UBND xã ba tháng. Trong câu chuyện buồn ấy, vẫn lấp lánh ánh sáng tin yêu từ những người cán bộ cơ sở hết lòng vì dân.
Họ không chỉ tận tụy và hy sinh, giúp dân khi nước sôi lửa bỏng. Những năm tháng dọc dặm dài Tây Bắc, tôi cũng đã chứng kiến nhiều làng bản đổi thay rất nhiều, nhờ những Bí thư, Chủ tịch xã như thế.
Những ngọn đèn trên đỉnh núi
Hầu như năm nào tôi cũng có ghé qua Khun Há, một xã vùng cao của huyện Tam Ðường (tỉnh Lai Châu). Bí thư Ðảng ủy xã là anh Ðỗ Trọng Thi, được luân chuyển vào Khun Há làm Phó Bí thư Ðảng ủy khi đang là Phó Chánh Văn phòng HÐND và UBND huyện. Lần đầu đến với Khun Há, Bí thư Huyện ủy Tam Ðường Hoàng Thọ Trung giới thiệu về Bí thư Ðảng ủy xã Ðỗ Trọng Thi ngắn gọn: "Khoảng chục năm trước, xã Khun Há rất phức tạp. Ðịa bàn xã thì rộng, 15 bản với hơn 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là người H’Mông. Cán bộ xã thì yếu, lại còn tư tưởng cục bộ, lục đục. Từ năm 2014, khi điều động, luân chuyển Ðỗ Trọng Thi về "cắm" ở xã thì tình hình mỗi ngày một tươi sáng hơn".
Khởi đầu cho sự "lột xác" của Khun Há, Ðỗ Trọng Thi làm chuyện "không giống ai": Sau khi về xã, nắm tình hình, gần gũi bà con, tìm hiểu cán bộ trên địa bàn, Thi phát hiện ra một người có tâm huyết, có trình độ, nắm bắt nhanh các vấn đề, rất được bà con trong xã yêu mến là thầy giáo Cứ A Sở, cũng là một đảng viên năng động. Bí thư Thi đề xuất, thuyết phục cấp trên điều động thầy Cứ A Sở, từ một giáo viên bổ nhiệm luôn vào vị trí Chủ tịch UBND xã. Rồi mấy năm qua, Bí thư Thi và Chủ tịch Sở là cặp "song kiếm hợp bích" làm thay đổi Khun Há.
Chỉ là một xã, nhưng đi từ bản đầu xã đến bản cuối xã phải chừng 40 km. Và đó là 40 km đường núi, chứ không phải đồng bằng. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa chỉ có cách cuốc bộ. Bí thư Thi đã chọn "đột phá điểm" là vận động dân làm đường. Ðường bê-tông hẳn hoi. Kinh phí làm đường, cho dù "Nhà nước và dân cùng làm" nhưng dân bảo: "Mình không có tiền, Nhà nước cứ làm đi". "Dân không có tiền nhưng có muốn làm đường không?" "Muốn lắm". "Thế không có tiền nhưng có thảo quả không?". "Có thảo quả". "Thế này nhé, giờ cán bộ đứng ra vay tiền làm đường bê-tông vào tận nhà cho dân, phần Nhà nước thì Nhà nước lo, phần của dân thì đến mùa thu hoạch bán thảo quả trả tiền mua xi-măng, cát đá... nhé". Bí thư Thi đứng ra nhận "tín chấp", dân cả 15 bản đều quyết tâm bê-tông hóa tất cả đường đi lối lại. Thấy con đường phát huy hiệu quả trong mùa mưa, chở con cái đi học nhanh hơn, không phải dầm mưa đội rét, bà con ngay vụ thu hoạch sau đó đã trích bán thảo quả trả nợ.
Với người dân rẻo cao, không có gì thuyết phục hơn thực tế mắt thấy tai nghe. Xong con đường, Bí thư Thi tính đến chuyện làm điện, thắp sáng đường đi trong bản. Vẫn công thức ấy. Dân thiếu tiền, cán bộ đứng ra "tín chấp". Mấy tháng đầu về Khun Há, hầu như Thi không về nhà ở huyện cùng vợ con, cứ thứ bảy, chủ nhật lại tổ chức lao động tình nguyện. Mọi người cùng xuống bản làm vệ sinh, trồng cây, dựng cổng chào, sửa đường, đổ bê-tông. Người dân thấy cán bộ nhiệt tình giúp mình nên ai cũng cùng hết lòng tham gia. Bốn năm, từ ngày Thi về làm Bí thư xã Khun Há, giờ đây đường đến các thôn bản đều đã được bê-tông hóa, ô-tô, xe máy có thể dễ dàng đi lại kể cả vào mùa mưa.
Chúng tôi cũng đã gặp những Tạ Quang Công, Chủ tịch UBND xã Ðại Minh (huyện Yên Bình), Phạm Ðức Thịnh, Bí thư Ðảng ủy xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) cùng ở tỉnh Yên Bái… Ðó đều là những người trẻ, giàu kiến thức, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến. Thật khó để kể hết về họ trong một bài báo. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng với những câu chuyện về họ, việc lựa chọn cán bộ cấp cơ sở trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ được lưu tâm hơn, góp phần đưa các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… sớm vươn lên.
Chính sách về cơ bản là giống nhau, nhưng để tạo nên sự khác biệt thì điều quyết định chính là những con người, những đảng viên, những cán bộ ưu tú như thế.