Xử lý rác thải cần triệt để, toàn diện

Những ngày gần đây, khi thời tiết nắng nóng và oi bức, hàng trăm hộ dân sống chung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) lại càng khốn khổ hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra, đặc biệt là mùi chua đặc trưng của rác và mùi khét của cao-su khi cháy. Cùng với đó, người dân còn phải “sống chung” với khói đen tỏa ra mù mịt do hoạt động đốt rác.

Vào những giờ cao điểm (khoảng 16 giờ), lúc công nhân mở tấm bạt che phủ rác để tiếp nhận thêm rác mới, nhiều gia đình chỉ biết đóng kín mít cửa ra vào và cửa sổ, “trốn” trong nhà, nhưng mùi hôi giảm không đáng kể.

Không những vậy, do nước thải từ bãi rác ngấm xuống lòng đất nên người dân gần như không thể trồng được cây gì, nhiều vườn cây ăn trái và những ruộng lúa liên tục mất mùa hoặc dần biến mất…

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực lân cận Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh). Ở khu vực này, mùi hôi cũng khó chịu không kém, nhất là sau những cơn mưa hoặc thời điểm công nhân mở bạt ở các điểm chôn lấp rác để tiếp nhận thêm rác mới.

Thực tế, phần lớn rác thải hiện nay chưa được phân loại tại nguồn cũng như tại các khu xử lý. Do đó, khi rác được thu gom và đưa về các bãi rác, điểm tập kết để chờ xử lý, sẽ xảy ra tình trạng phát sinh mùi hôi do sự phân hủy rác.

Bên cạnh đó, công tác vận chuyển rác vận hành hoạt động các khu xử lý rác còn chưa tốt, điển hình là việc che phủ còn đơn giản hoặc sơ sài.

Theo các chuyên gia môi trường, do công nghệ xử lý không phù hợp (chủ yếu là chôn lấp, đốt), thiếu sót trong quy hoạch, việc đánh giá tác động môi trường chưa đầy đủ… nên các khu xử lý rác đã và đang xảy ra tình trạng phát tán mùi hôi, rò rỉ nước ra môi trường. Các khu xử lý rác lại không có vành đai cây xanh cách ly với khu vực chung quanh, nên mùi hôi dễ tỏa ra và lan rộng.

Để giảm mùi hôi phát ra từ các khu xử lý rác, từ nhiều năm trước đây, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các dự án trồng cây xanh cách ly khu xử lý rác với các khu vực chung quanh.

Tuy nhiên, dự án trồng cây xanh cách ly giai đoạn 2 (quy mô 197ha với mức đầu tư 70 tỷ đồng) ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và Nghĩa trang Đa Phước (quy mô 268,79ha với mức đầu tư 1.069 tỷ đồng) đang bị chậm tiến độ triển khai so với kế hoạch.

Nguyên nhân, do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, chính sách bồi thường thay đổi làm phát sinh chi phí, vượt mức tổng đầu tư.

Từ thực tế trên, trước mắt, theo các chuyên gia, để giảm mùi hôi ở các khu xử lý rác thì đơn vị có trách nhiệm cần quan tâm, chú trọng hơn nữa việc phủ bạt kín các điểm đổ rác, phun chế phẩm vi sinh hoặc dùng vôi phủ lên trên. Cùng với đó, đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom nước thải, khí thải bài bản. Tiếp đó, cần trồng cây xanh tạo thành vành đai xanh chung quanh, cách ly khu xử lý rác với khu vực có dân cư sinh sống.

Đặc biệt, để xử lý dứt điểm và căn cơ vấn đề mùi hôi nói riêng và ô nhiễm nói chung từ các khu xử lý rác thì công nghệ xử lý là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Điều này đòi hỏi chính quyền, cơ quan chức năng và đơn vị chủ đầu tư (hoặc vận hành) khu xử lý rác phải tính toán, cân nhắc kỹ để lựa chọn được công nghệ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác thải.

Ngoài ra, chính quyền và các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vấn đề xử lý các loại chất thải và đánh giá tác động môi trường.