Xôi ngũ sắc, tượng trưng cho tình đoàn kết dân tộc

NDO - Xôi ngũ sắc là món ăn quen thuộc của nhiều dân tộc vùng núi phía bắc trong mâm cơm ngày lễ, Tết. Với 5 màu xanh đỏ tím vàng trắng, xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết các dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Xôi ngũ sắc là món ăn quen trong mâm cơm ngày lễ, Tết.
Xôi ngũ sắc là món ăn quen trong mâm cơm ngày lễ, Tết.

Giống như sự đa dạng trong các mối quan hệ xã hội của con người, xôi ngũ sắc là sự kết hợp đa dạng, tinh tế của gạo nếp và nhiều loại cây, củ, quả để tạo thành món xôi thơm, ngon độc đáo.

Để mang lại màu sắc đặc trưng cho từng loại xôi, đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc thường ngâm gạo nếp với nước của các loại lá và củ cây rừng. Thông thường, màu đỏ sẽ được làm từ quả gấc, màu xanh được lấy từ lá gừng hoặc lá dứa, màu vàng làm từ màu của củ nghệ già giã lấy nước, màu tím của xôi lấy từ lá cẩm. Cuối cùng, màu trắng là màu của xôi tự nhiên, không cần thêm bất kì loại lá nào.

Xôi ngũ sắc, tượng trưng cho tình đoàn kết dân tộc ảnh 1

Xôi ngũ sắc là sự kết hợp tinh tế của gạo nếp và nhiều loại cây, củ, quả.

Để bảo đảm màu đẹp, khi nấu đồng bào tránh không để lẫn các loại cây màu với nhau. Tiếp đó là sự cầu kỳ trong khâu nấu, giã lá, củ để lấy nước màu trộn vào gạo nếp. Các loại cây, lá màu phải được nấu ở các nồi khác nhau để tránh bị lẫn màu.

Xôi ngũ sắc, tượng trưng cho tình đoàn kết dân tộc ảnh 2

Khâu quan trọng nhất là đồ xôi.

Để có món xôi ngũ sắc ngon dẻo bắt mắt, khâu quan trọng nhất là đồ xôi. Bà con bỏ từng lượt gạo đã trộn màu vào chõ. Gạo nhuộm những màu sắc mạnh như: vàng, đỏ, tím thường được rải ở lượt dưới cùng chõ đồ, ngăn cách nhau bằng lá chuối và trên cùng chắc chắn phải là lớp gạo nếp màu trắng. Quá trình đồ xôi ngũ sắc cũng đòi hỏi phải có một sự cảm nhận đủ chuẩn của người nấu để có thể nấu một nồi xôi vừa chín tới, vừa đượm màu.

Khi chín hương thơm của nếp quyện với hương thơm đặc trưng của cây cỏ nơi núi rừng khiến xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm đặc trưng.

Xôi ngũ sắc, tượng trưng cho tình đoàn kết dân tộc ảnh 3

Xôi ngũ sắc là tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Đối với đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc, mỗi màu sắc trong xôi đều mang ý nghĩa khác nhau. Bà Lò Thị Tóm, dân tộc Thái ở Mộc Châu, Sơn La cho biết: Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống, ước mơ về tương lai tươi sáng; xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá; xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm, phồn thịnh thể hiện mong ước cho cuộc sống yên bình của người dân; xôi màu xanh tượng trưng màu của núi rừng của cây cối và nương rẫy; xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung và tình thương yêu đối với cha mẹ.

Xôi ngũ sắc, tượng trưng cho tình đoàn kết dân tộc ảnh 4

Những tác phẩm trình bày độc đáo của xôi ngũ sắc.

Xôi ngũ sắc không chỉ tạo cảm giác thích mắt, ngon miệng mà còn là tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc và thường được bày ở trung tâm mâm cỗ. Trong đó mỗi màu sắc của xôi được bày bên nhau theo kiểu quần tụ hoặc xếp thành núi, xếp thành 5 cánh hoa… tượng trưng cho tình đoàn kết các dân tộc.