Xây dựng vùng biên giới Tây Nguyên vững chắc

Bài 2: Biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển

Trong những năm qua, ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới Tây Nguyên phối hợp đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn biên giới tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố tổ chức đảng và hệ thống chính trị các xã, thôn, buôn khu vực biên giới vững mạnh. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với lực lượng bảo vệ biên giới các nước bạn, chung sức bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo, xã Ia R'vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thăm mô hình chăn nuôi bò của người dân địa phương do đồn hỗ trợ.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo, xã Ia R'vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thăm mô hình chăn nuôi bò của người dân địa phương do đồn hỗ trợ.

Nhằm xây dựng, củng cố khu vực biên giới vững chắc, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy các tỉnh, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Tây Nguyên đã phân công cán bộ, đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, buôn và phụ trách các gia đình khó khăn ở khu vực biên giới.

Các anh về thôn ấm, nhà vui

Thời gian gần đây, trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Kon Tum xuất hiện tội phạm mua bán người, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn nhằm lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin, sau đó móc nối với các đối tượng trong đường dây bán cho các công ty nước ngoài. Xuất phát từ thực tế đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum xây dựng chủ trương đưa cán bộ, đảng viên đồn biên phòng là người dân tộc thiểu số về kết nghĩa, giúp đỡ những gia đình khó khăn tại địa bàn.

Đại úy Xiêng Văn Bức, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Long (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) được phân công kết nghĩa với hộ anh A Biên ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long. Đại úy Bức cho biết: “Thời gian đầu kết nghĩa cũng có nhiều khó khăn. Mình là người dân tộc thiểu số ở nơi khác đến đây cho nên phải học thêm tiếng bà con nơi đây mới giao tiếp được”. Anh A Biên sau một thời gian được Đại úy Bức vận động, giúp đỡ, đã nhận ra những việc làm không đúng của mình nên ở nhà tập trung lao động sản xuất. Năm 2021 gia đình anh thu cà-phê được 77 triệu đồng, tăng gấp đôi năm 2020 và năm nay dự kiến thu hơn 100 triệu đồng. Anh A Biên chia sẻ: “Nhờ “bộ đội” Bức về hỗ trợ, giúp đỡ, tuyên truyền, giải thích nên mình không còn tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật nữa. Từ nay mình chỉ lo làm ăn và cùng với bộ đội biên phòng đấu tranh với các đối tượng xấu, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”.

Xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) có 2.107 hộ với 6.705 khẩu, gồm 25 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 23%. Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê Trần Lệ Thủy cho biết: Từ năm 2013 đến nay, tất cả 12 thôn trên địa bàn xã đều có đảng viên đồn biên phòng về sinh hoạt và có 20 cán bộ biên phòng về phụ trách 85 gia đình khó khăn. Với sự tham mưu, hỗ trợ, giúp đỡ của đảng viên đồn biên phòng, chất lượng sinh hoạt của chi bộ các thôn, buôn đi vào nền nếp, chất lượng hơn, nhiều vụ việc ở địa phương được quan tâm giải quyết kịp thời cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Bà Trần Thị Út, 65 tuổi ở thôn 6, xã Ia R’vê kể: “Vợ chồng tôi năm nay đã lớn tuổi, hay đau ốm, không làm được nhiều nên được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê hỗ trợ xây dựng cho căn nhà mái ấm nơi biên cương, đồng thời thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn chăm sóc vườn điều”.

Nhiều năm qua, bộ đội biên phòng các tỉnh đã cử cán bộ, đảng viên tăng cường về tham gia cấp ủy và sinh hoạt tại cơ sở đảng các xã biên giới. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường 4 cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy 4 xã biên giới; giới thiệu 51 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại 38 chi bộ thôn, buôn; phân công 71 cán bộ, đảng viên đồn biên phòng phụ trách 311 hộ gia đình khó khăn ở khu vực biên giới.

Các đảng viên biên phòng luôn bám sát địa bàn, tích cực tham mưu cho các tổ chức đảng các xã biên giới tổ chức kết nạp 356 đảng viên, trong đó có 116 đảng viên là người dân tộc thiểu số; thành lập 38 tổ tự quản an ninh trật tự với 310 thành viên; có 38 tập thể với 489 gia đình và 1.569 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 71,972 km đường biên, 7 mốc biên giới quốc gia… Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Chủ trương đưa đảng viên đồn biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn, buôn và phân công cán bộ đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình khó khăn ở khu vực biên giới là hết sức kịp thời và đúng đắn.

Khi đảng viên biên phòng về sinh hoạt không chỉ góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ thôn, buôn mà còn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và đơn vị hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai phối hợp các huyện ủy biên giới tăng cường 7 cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy ở các xã biên giới; 49 đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; cử 216 đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình ở các xã biên giới. Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết: Những đảng viên khi được phân công nhiệm vụ luôn thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng”, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chi bộ thôn, làng chuẩn bị nội dung như: Dự thảo nghị quyết chi bộ bám sát nghị quyết của đảng ủy xã; duy trì chế độ, nền nếp sinh hoạt; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên; đề xuất với cấp ủy củng cố, kiện toàn các chi hội đoàn thể của từng thôn, làng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về mọi mặt, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới các xã biên giới Gia Lai và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chung sức xây dựng biên cương vững chắc

Nhiều năm qua, cùng với các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các tỉnh, bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới Tây Nguyên đã huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Từ năm 2012 đến nay, thông qua nhiều chương trình phối hợp, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã huy động hơn 100 tỷ đồng xây dựng, trao tặng 201 căn nhà cho người có công và gia đình khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn sản xuất 680 triệu đồng, tặng 103 con bò giống, trao 1.743 suất quà tặng hộ nghèo; xây dựng 24 công trình dân sinh… hỗ trợ nhân dân các xã biên giới.

Trong năm 2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai phối hợp Công ty cổ phần Hạ tầng bất động sản Việt Nam (Hà Nội) xây dựng, bàn giao 10 ngôi nhà “Mái ấm biên cương” trị giá gần 1 tỷ đồng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới; duy trì hiệu quả 4 trạm quân dân y kết hợp, chủ động khám, điều trị cho hàng nghìn lượt người dân. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh còn tham gia hàng nghìn ngày công để giúp đỡ các xã biên giới xây dựng nhà ở, làm đường giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, nạo vét kênh mương… Nhờ đó, đến nay trên địa bàn biên giới đã có 3/7 xã và 27 làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Bội đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông xây dựng 154 căn nhà và 2 công trình dân sinh tặng cho người dân trên tuyến biên giới; mua bò giống cấp cho 87 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 8,6 tỷ đồng; các đơn vị cơ sở đã và đang triển khai 11 mô hình nuôi bò, dê, heo, gà, bồ câu, cá cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới…

Cùng với chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân, bộ đội biên phòng các tỉnh Tây Nguyên còn đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường mối quan hệ đoàn kết với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước bạn, chung sức xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Nhiều năm nay, thông qua các chương trình phối hợp, qua lại thăm hỏi thường xuyên cho nên mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Tiểu khu quân sự Mondulkiri (Campuchia) luôn được củng cố và phát triển. Lực lượng đứng chân trên biên giới của hai tỉnh phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan công tác quản lý, bảo vệ biên giới; kịp thời giải quyết những vấn đề đột xuất xảy ra; phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho đoàn công tác hỗn hợp phân giới cắm mốc giữa hai tỉnh; kịp thời ngăn chặn các âm mưu của các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước...

UBND tỉnh Gia Lai đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế-xã hội với chính quyền tỉnh Stung Treng; biên bản hội nghị về củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia)... Giám đốc Sở Ngoại vụ Gia Lai Nguyễn Tùng Khánh cho biết: Trong thời gian tới hai bên tiếp tục tạo điều kiện, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-Cửa khẩu quốc tế Oyadav nhằm thu hút doanh nghiệp hai nước đến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới. Các ngành, lực lượng chức năng của cả hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua cho thấy, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển toàn diện và giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, nhưng trên địa bàn khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên vẫn tồn tại một số khó khăn như: Hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế; hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của một số chính quyền địa phương có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trên khu vực biên giới Đắk Lắk, tỷ lệ hộ nghèo bình quân còn chiếm 55,7% dân số. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới Tây Nguyên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn…

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Vì vậy, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cùng nhân dân các dân tộc, phấn đấu vì cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có đồng bào khu vực biên giới Tây Nguyên…

Bài 1: Khởi sắc những miền quê biên giới