Xây dựng vùng biên giới Tây Nguyên vững chắc

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh thì có 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum có đường biên giới dài hơn 594km đi qua 31 xã thuộc 12 huyện, giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Ở khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân chăm sóc cà-phê.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân chăm sóc cà-phê.

Địa bàn rộng, địa hình phức tạp; khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt; cơ sở hạ tầng kém; trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại… cho nên một thời gian dài trước đây, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư toàn diện của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, khu vực biên giới Tây Nguyên có nhiều đổi thay, cuộc sống mới bình yên và no ấm hiện hữu trên khắp các thôn, buôn vùng biên giới.

Bài 1: Khởi sắc những miền quê biên giới

Các xã biên giới Tây Nguyên đều cách xa trung tâm hành chính các huyện, tỉnh. Trước đây, cơ sở hạ tầng còn kém, nhất là hệ thống đường giao thông chủ yếu là đường đất, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa khô thì bụi mù mịt và chằng chịt “ổ trâu, ổ voi” cho nên mỗi lần lên biên giới phải mất cả ngày đi đường. Chính vì vậy, miền biên giới vốn đã xa xôi, hẻo lánh lại càng xa hơn.

Tình trạng này đến nay đã khác. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và các tỉnh Tây Nguyên, phần lớn các tuyến đường kết nối với biên giới và các tuyến đường chiến lược dọc biên giới Tây Nguyên đã được nhựa hóa, bê-tông hóa. Giao thông thuận lợi không chỉ “kéo” biên giới xích lại gần hơn mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân, tạo cho bộ mặt nông thôn miền biên giới ngày càng khởi sắc.

Giao thông "kéo" biên giới lại gần

Nằm ở cực bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài hơn 292km, trong đó đoạn biên giới tiếp giáp với Lào dài 154,222km và với Campuchia dài 138,691km. Khu vực biên giới của tỉnh có 13 xã thuộc bốn huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai với dân số 16.711 hộ, 61.840 khẩu gồm 24 dân tộc sinh sống đan xen. Đây là khu vực còn nhiều khó khăn nhất không chỉ đối với tỉnh Kon Tum mà cả khu vực Tây Nguyên, nhất là hệ thống đường giao thông. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum Phan Mười cho biết: Khoảng từ năm 2014 trở về trước, hệ thống giao thông từ trung tâm tỉnh đến các huyện, xã biên giới hết sức khó khăn, có nơi phải đi 1-2 ngày đường mới đến nơi.

5 năm gần đây, hệ thống giao thông ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum được cải thiện ngày một tốt hơn. Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia, trong đó đoạn qua tỉnh Kon Tum có chiều dài 106,8km đi qua địa bàn ba huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai đã được đầu tư hoàn thành 44,8km, đoạn còn lại dài 62km đang được UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư sửa chữa. Hay như quốc lộ 40 có chiều dài 21,53km nối thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi với cửa khẩu Đắk Kôi (biên giới Việt Nam-Campuchia), từ cuối năm 2021 đến nay đã được nhựa hóa toàn tuyến, bảo đảm giao thông thuận lợi…

Thiếu tá Phạm Huy Thắng có 29 năm công tác trong lực lượng biên phòng thì hơn 19 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Sa Loong, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: Trước kia, hệ thống giao thông đi lại giữa trung tâm hành chính huyện với các xã biên giới, đồn biên phòng gặp nhiều khó khăn, mỗi lần có việc ra huyện công tác hay được nghỉ phép về thăm gia đình phải đi lại cả ngày đường. Vài năm gần đây, giao thông thuận lợi hơn nhiều, vừa tạo động lực cho các xã biên giới phát triển, vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh.

Vài năm gần đây, giao thông thuận lợi hơn nhiều, vừa tạo động lực cho các xã biên giới phát triển, vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng

Trong những ngày đầu tháng 11, cùng với các cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi vượt hơn 130km từ thành phố Buôn Ma Thuột đến Đồn Biên phòng Ea H’leo (Đồn Biên phòng 735) trên địa bàn xã biên giới Ia R’vê, huyện Ea Súp, đây là đồn biên phòng xa nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Mặc dù đang là mùa mưa nhưng các tuyến đường kết nối với khu vực biên giới như tỉnh lộ 1, quốc lộ 29 và quốc lộ 14C… đều được rải nhựa cho nên chỉ mất hơn 2 giờ đi đường chúng tôi đã đến đồn. Thượng úy Phạm Thanh Luận, lái xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tâm sự: Cũng với đoạn đường này nhưng cách đây khoảng 7 năm phải mất gần cả ngày đi đường, vì lúc ấy chủ yếu là đường đất lầy lội, trơn trượt. Thậm chí trong nhiều chuyến công tác lên biên giới, do đường xấu gặp phải “ổ trâu, ổ voi” xe hư hỏng dọc đường phải thuê thợ ở thành phố Buôn Ma Thuột vào sửa chữa rồi mới đi tiếp là chuyện bình thường.

Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê Trần Lệ Thủy cho biết: Ia R’vê cách trung tâm huyện Ea Súp hơn 40km và cách trung tâm hành chính tỉnh khoảng 130km, khoảng 5 năm trở lại đây quốc lộ 14C dọc tuyến biên giới của tỉnh được láng nhựa và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được bê-tông hóa giúp bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, hoạt động giao thương trở nên sôi động hơn, cuộc sống nhân dân ngày càng khởi sắc.

Nằm ở cực nam Tây Nguyên, những năm trước đây, hạ tầng kinh tế-xã hội trên khu vực biên giới Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số 7 xã biên giới thì có đến 5 xã chưa có đường nhựa vào trung tâm xã.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, Đắk Nông đã đầu tư 36 công trình phát triển kinh tế-xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới, cùng với nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khác được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đến nay, 100% xã ở khu vực biên giới Đắk Nông có đường ô-tô đến trung tâm xã; các tuyến đường liên thôn, buôn được bê-tông hóa. Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) Nguyễn Ngọc Lũy cho biết: Kể từ khi hệ thống giao thông khu vực biên giới đi lại thuận lợi đã tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia…

Cuộc sống mới nơi biên cương

Những ngày đầu tháng 11/2022, trở lại vùng biên giới Tây Nguyên, chúng tôi thật sự vui mừng trước sự đổi thay đến ngỡ ngàng của vùng biên ải. Đường dẫn về các xã, thôn, làng nối tiếp những vườn cao-su bạt ngàn; những vườn điều, vườn cà-phê trĩu quả hứa hẹn cuộc sống mới bình yên, no đủ. Có được sự đổi thay như trên, ngoài sự nỗ lực của người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã còn có sự đóng góp không mệt mỏi của những người lính Cụ Hồ đã và đang ngày đêm cùng với người dân bảo vệ sự bình yên nơi miền biên giới.

Huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai có chiều dài đường biên giới 35km nằm trên địa phận hai xã là Ia Pnôn và Ia Dom giáp với nước bạn Campuchia. Trên địa bàn có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, nơi kết nối thông thương giữa người dân hai nước cho nên các xã này sớm được đầu tư về cơ sở hạ tầng, cùng nhiều lĩnh vực phục vụ các hoạt động kinh tế, chính trị quan trọng. Với lợi thế đó, cuối năm 2015, Ia Dom là xã biên giới đầu tiên của vùng Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Ia Pnôn đến năm 2022 cũng hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư hoàn chỉnh, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc.

Gia đình ông Rơ Mah M’rao (60 tuổi, dân tộc Gia Rai) ở làng Poong, xã Ia Dơk là một trong những tỷ phú đầu tiên ở xã biên giới này. Hiện ông sở hữu khối tài sản gồm 20ha cao-su tiểu điền, gần 10ha điều, 3ha cà-phê đang thu hoạch, 5 sào lúa nước hai vụ, hơn 20 con bò, ngôi nhà 3 tầng trị giá hơn 2 tỷ đồng và 3 xe ô-tô… bình quân mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, ông còn thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Rơ Mah M’rao lý giải: “Người dân ở vùng đất biên cương này giàu lên là nhờ giữ được đất. Nhờ bám lấy đất đai, người dân lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình; cũng có người thu nhập ổn định nhờ được tuyển dụng vào làm công nhân cho các đơn vị thuộc Binh đoàn 15. Làng Poong hiện có nhiều hộ sở hữu từ 5 đến 7ha cao-su tiểu điền đã cho khai thác, trong số hơn 230 hộ của làng Poong thì có đến hai phần ba hộ khá và giàu…”.

Người dân ở vùng đất biên cương này giàu lên là nhờ giữ được đất. Nhờ bám lấy đất đai, người dân lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình; cũng có người thu nhập ổn định nhờ được tuyển dụng vào làm công nhân cho các đơn vị thuộc Binh đoàn 15.

Ông Rơ Mah M’rao

Xuôi về xã Ea Bung, huyện Ea Súp, xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk, đi trên những con đường bê-tông sạch đẹp, ít ai biết rằng vào thời điểm năm 2011, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới xã Ea Bung chỉ đạt 4/19 tiêu chí, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 30%.

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã, bộ đội biên phòng và sự đồng thuận của nhân dân, Ea Bung đã huy động được hơn 43,6 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Từ một xã biên giới khó khăn, đến cuối năm 2020 xã Ea Bung đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Ea Bung Phan Thanh Pha khẳng định: “Thành quả này bên cạnh sự nỗ lực của người dân còn là hiệu quả từ những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với vùng biên giới”.

Xã an toàn khu Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm hơn 30%. Trước đây, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%, hằng năm phải nhận trợ cấp của Nhà nước. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước bằng nhiều chương trình, dự án, sự hỗ trợ của địa phương, cùng sự nỗ lực vươn lên của nhân dân trong xã cho nên cuộc sống từng bước thay đổi.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Lý cho biết: Người dân Quảng Trực hôm nay đã áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất cao với hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập từ 150 đến hơn 300 triệu đồng mỗi năm, xây dựng nhà cửa khang trang, mua xe ô-tô, đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù là xã biên giới nhưng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đang dần ngang bằng với bình quân chung toàn tỉnh…

(Còn nữa)