Vươn tầm trung tâm thương mại của khu vực

70 năm qua, hệ thống thương mại của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc. Từ một đô thị nghèo nàn về hàng hóa, thiếu thốn về cơ sở vật chất, Hà Nội nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại lớn, hiện đại.
Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại AEON Long Biên (Hà Nội).
Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại AEON Long Biên (Hà Nội).

Trong những năm qua, sự tham gia tích cực của nhiều thành phần kinh tế đã giúp hoạt động thương mại dịch vụ của thành phố phát triển mạnh. Thị trường Hà Nội ngày càng sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng. Hệ thống bán lẻ phát triển nhanh và hình thành mạng lưới rộng khắp và tăng trưởng nhanh.

Đến nay, Hà Nội đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị; 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 494 cửa hàng xăng dầu, 415 máy bán hàng tự động; ba trung tâm logistics; hai cảng cạn ICD và hệ thống các kho, bãi container nhỏ phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa… Ngoài ra có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung chín tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 619,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021-2022 tăng 9,3%.

Quy mô giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 đạt khoảng 776,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài các loại hình thương mại truyền thống, thương mại điện tử trên địa bàn cũng phát triển nhanh chóng.

Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp Bộ Công thương chấp thuận, giám sát 16.424 website/ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%. Chỉ số thương mại điện tử của thành phố duy trì vị trí thứ hai cả nước.

Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp-thương mại (Bộ Công thương) nhận xét, về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dân.

Ngày nay, thương mại trở thành ngành kinh tế lớn của Thủ đô, không chỉ phục vụ đời sống người dân, mà còn bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.

Đánh giá về hạ tầng thương mại của Hà Nội, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, doanh thu ngành bán lẻ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ là một trong những lý do khiến Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu của AEON đến năm 2030 là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam, tập trung tại các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

“Chúng tôi vừa ra mắt trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn đầu tiên tại Hà Nội, đồng thời, đang nhân rộng mô hình siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu, hướng tới đạt 100 siêu thị đến năm 2025” - ông Yasuyuki cho biết.

Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu xây dựng thêm ba trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình trung tâm Outlet tại tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài với diện tích khoảng 39,45ha, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.

Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại-dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.